Hà Nội hai năm liên tiếp giữ vị trí thứ 3 về cải cách hành chính
Theo công bố của Bộ Nội vụ về Chỉ số cải cách hành chính năm 2023, TP. Hà Nội xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đạt 91,43%) và là năm thứ 2 liên tiếp đạt kết quả này.
Sáng 17/4, Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 (PAR INDEX) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo công bố của Bộ Nội vụ về Chỉ số PAR INDEX, TP. Hà Nội xếp thứ 3/63, đạt 91,43% (năm thứ 2 liên tiếp). Ở năm 2022, Hà Nội xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đạt 89,58%.
Công bố của Bộ Nội vụ về Chỉ số SIPAS cho thấy, Hà Nội xếp thứ 21 về Chỉ số SIPAS, tăng 9 bậc (năm 2022, Hà Nội đạt 80,16%, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải đã trình bày tham luận về kết quả và bài học kinh nghiệm trong tổ chức triển khai cải cách thủ tục hành (TTHC) chính gắn với thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, bám sát tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, giai đoạn 2021-2025, TP Hà Nội tiếp tục xác định cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của Thủ đô, để đạt và vượt các chỉ tiêu CCHC đã được Đảng bộ TP đặt ra từ đầu nhiệm kỳ.
Trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, TP đã ban hành 76 văn bản liên quan kiểm soát TTHC, cải cách TTHC, chuyển đổi số của TP và đặc biệt đã chủ động ban hành quy chế phối hợp thực hiện liên thông các TTHC khi thực hiện TTHC các lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; tài nguyên và môi trường, tư pháp và thuế. Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan, đơn vị phối hợp liên thông, giải quyết công việc, giải quyết TTHC thông suốt, hiệu quả, rút ngắn thời gian, giảm thời gian đi lại của người dân, tổ chức; chuẩn hóa quy trình giải quyết công việc, giải quyết TTHC.
Kết quả rõ nét là thành phố đã ban hành 15 quyết định về việc thông qua phương án đơn giản hóa 211 thủ tục hành chính (đạt 29,8%); quyết định ủy quyền giải quyết 578 TTHC; thực hiện tích hợp 781 dịch vụ công trực tuyến một phần, 168 dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số 1.191 dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện.
Đến nay, Hà Nội đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công thành phố 318 dịch vụ công toàn trình, 1.554 dịch vụ công một phần. Việc giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn và trước hạn của thành phố đạt tỷ lệ cao, chiếm 99,7%. Đã thực hiện cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính bản điện tử, tỷ lệ khai thác lại thông tin, dữ liệu số hóa: Gần 214.000 hồ sơ, cấp trên 46.500 chữ ký số công cộng miễn phí cho người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, giao dịch điện tử tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố...
Hà Nội là địa phương đầu tiên và duy nhất trong cả nước đã ban hành Nghị quyết quy định về mức phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến (mức thu bằng "không" áp dụng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ thực hiện các dịch vụ công theo hình thức trực tuyến (Nghị quyết số 07/2023/NQ-HĐND ngày 4-7-2023), dự kiến Ngân sách không thu khoảng 37 tỷ đồng/năm khi thực hiện và thời gian thực hiện đến hết 31/12/2025.
Bên cạnh đó, TP đã chỉ đạo hoàn thành tái cấu trúc, gần 1.200 TTHC đủ điều kiện thực hiện DVC trực tuyến toàn trình và một phần; phê duyệt phương án tái cấu trúc quy trình 110 TTHC được lựa chọn xây dựng DVC trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia, kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...
Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, TP Hà Nội rút ra một số bài học kinh nghiệm. Trong đó quan trọng là có sự thống nhất trong cả hệ thống chính trị của TP về tầm quan trọng của cải cách TTHC và chuyển đổi số; quán triệt và xuyên suốt nguyên tắc làm việc là “thượng tôn pháp luật - luôn luôn lắng nghe - thái độ phục vụ” và với mục tiêu hướng tới “người dân, doanh nghiệp dù ở bất kỳ đâu, đều có thể tiếp cận nhanh, dễ dàng các dịch vụ công, các ứng dụng số, nền tảng số, được cung cấp thông tin đầy đủ, được phục vụ kịp thời.
Huyền My (t/h)Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.