Hà Nội hiện đại hóa hệ thống quan trắc không khí
Với tổng số 35 trạm quan trắc không khí tự động hiện có, từ năm 2018 đến nay, Hà Nội luôn là địa phương đi đầu cả nước trong việc lắp đặt các trạm quan trắc không khí, nhằm thu thập dữ liệu phục vụ công tác bảo vệ môi trường.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng và đại diện Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, nhà tài trợ bấm nút kết nối 24 trạm quan trắc vào hệ thống của TP. Ảnh: Thương Huế
Kết quả của sự chung tay
Theo ông Lê Tuấn Định - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Hà Nội, cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đã làm gia tăng phát sinh khí thải, bụi từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, đun nấu, sử dụng than tổ ong, đốt rác, đốt rơm rạ… khiến chất lượng môi trường không khí của Thủ đô bị ảnh hưởng nặng nề.
“Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành TP, sự chung tay của đông đảo Nhân dân Thủ đô cùng hỗ trợ từ các tổ chức, DN trong và ngoài nước, Hà Nội trở thành đơn vị đi đầu cả nước về xây dựng hệ thống quan trắc không khí tự động, cung cấp chuỗi dữ liệu quan trắc tin cậy, liên tục tới người dân; kịp thời đưa ra cảnh báo và khuyến cáo các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho người dân Thủ đô” - ông Lê Tuấn Định chia sẻ.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội, từ ngày 1/1/2017 Sở đã quản lý vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động liên tục (2 trạm cố định, 8 trạm cảm biến) do Tập đoàn Vingroup tài trợ. Tháng 7/2019, tiếp nhận thêm dữ liệu của trạm quan trắc cố định tại Đại sứ quán Pháp (quan trắc chỉ tiêu bụi PM2.5). Đặc biệt, cuối tháng 5 vừa qua, Sở tiếp tục tiếp nhận 24 trạm quan trắc không khi tự động (cảm biến) do một DN Hàn Quốc tài trợ - hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung.
Hiện, Sở cũng đang quản lý 6 trạm quan trắc nước mặt; giám sát dữ liệu quan trắc của 29 trạm quan trắc nước thải, 5 trạm quan trắc nước dưới đất, 1 trạm quan trắc khí thải của các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ trên địa bàn TP.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quan trắc
Đáng lưu ý, những thông tin chỉ số chất lượng không khí AQI địa bàn TP liên tục được cập nhật trên website https://moitruongthudo.vn; chỉ số chất lượng nước được cập nhật liên tục trên website: http://chisoquantracnuoc.vn. Đồng thời, gửi thông tin chất lượng không khí hàng ngày tới các cơ quan báo chí, truyền hình để kịp thời cung cấp thông tin, khuyến cáo người dân các biện pháp bảo vệ, phòng ngừa trong điều kiện chỉ số chất lượng không khí AQI có ảnh hướng tới sức khỏe.
Hiện nay, Sở TN&MT Hà Nội cũng đang làm việc với Tổng cục Môi trường – Bộ TN&MT để tiếp nhận tài trợ thêm 2 trạm quan trắc cố định, 30 trạm quan trắc cảm biến, nâng cao mật độ các trạm quan trắc không khí trên toàn TP, cung cấp chuỗi số liệu liên tục phục vụ công tác quản lý Nhà nước và nhu cầu theo dõi diễn biến chất lượng không khí của người dân.
Theo ông Lê Tuấn Định, Sở TN&MT đang tập trung phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện Dự án "Hệ thống mạng quan trắc môi trường trên địa bàn TP Hà Nội" theo hướng hiệu quả, tiết kiệm bảo đảm điều kiện trình Sở KH&ĐT thẩm định, báo cáo UBND TP phê duyệt trong quý III/2020 để triển khai thực hiện, hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường trong năm 2021.
"Trong đó, sẽ đầu tư thêm 15 trạm quan trắc cố định, 5 trạm quan trắc nước mặt, 6 trạm quan trắc nước dưới đất, đầu tư 1 xe quan trắc không khí lưu động và 1 xe quan trắc nước mặt lưu động (có tích hợp thiết bị quan trắc phóng xạ) để triển khai các chương trình, chiến dịch quan trắc, chủ động trong công tác ứng phó sự cố môi trường” - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết.
Năm 2018, Hà Nội – TP đầu tiên của cả nước đầu tư hệ thống mạng lưới quan trắc không khí theo tiêu chuẩn mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia bảo đảm đồng bộ, hiện đại đã vinh dự được xếp là 1 trong 10 sự kiện của ngành TN&MT, do Bộ TN&MT bình chọn.
Không khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.