Hà Nội hiện đại hóa hệ thống quan trắc không khí
Hệ thống quan trắc không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội đến nay đã đi vào hoạt động ổn định, qua đó nhận định được các vấn đề ô nhiễm để đưa ra giải pháp khắc phục. Với tổng số 35 trạm quan trắc không khí tự động hiện có, Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong việc lắp đặt các trạm quan trắc không khí.
Các chỉ số chất lượng không khí thường xuyên được cập nhật giúp người dân có biện pháp bảo vệ sức khỏe trong điều kiện chỉ số chất lượng không khí ở mức kém
Những năm gần đây, tốc độ đô thị hoá diễn ra nhanh chóng làm gia tăng phát sinh khí thải, bụi từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, các hoạt động dân sinh đun nấu, sử dụng than tổ ong, đốt rác, rơm rạ… tác động rõ nét của biến đổi khí hậu, xuất hiện nhiều dạng thời tiết cực đoan đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng môi trường không khí của Thủ đô.
Để đảm bảo phát triển bền vững, trong những năm qua với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành Thành phố, sự hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân Thủ đô, sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trên địa bàn Thành phố, Hà Nội đã trở thành đơn vị đi đầu trong cả nước về xây dựng hệ thống quan trắc không khí tự động, cung cấp chuỗi dữ liệu quan trắc, tin cậy đến người dân.
Ông Mai Trọng Thái - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết, Thành phố đã đầu tư quan trắc môi trường không khí từ 2016 và đi vào vận hành chính thức từ tháng 12/2016 gồm 10 trạm với 2 trạm cố định và 8 trạm cảm biến. Tháng 7/2019, tiếp tục tiếp nhận dữ liệu từ trạm quan trắc đặt tại Đại sứ quán Pháp.
Đặc biệt, cuối tháng 5 vừa qua, Sở tiếp tục tiếp nhận 24 trạm quan trắc không khí tự động do một doanh nghiệp Hàn Quốc tài trợ đã nâng tổng số trạm quan trắc không khí tự động trên địa bàn thành phố Hà Nội lên 35 trạm. Các trạm quan trắc không khí từng bước đáp ứng nhu cầu theo dõi diễn biến chất lượng không khí của người dân Thủ đô, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và xây dựng chính sách về bảo vệ môi trường không khí.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng xây dựng ứng dụng, mô hình hóa để dự báo như dự báo thời tiết, dự báo chất lượng không khí ngày mai, ngày kia như thế nào... trên cơ sở số liệu quan trắc đưa ra được phương án chất lượng không khí như thế nào, ảnh hưởng tới đâu...
Tất cả các chỉ số, thông số liên tục được cập nhật trên website https://moitruongthudo.vn; chỉ số chất lượng nước được cập nhật liên tục trên website: http://chisoquantracnuoc.vn để kịp thời cung cấp thông tin, khuyến cáo người dân các biện pháp bảo vệ, phòng ngừa trong điều kiện chỉ số chất lượng không khí (AQI) có ảnh hướng tới sức khỏe. Hầu hết người dân đều đã tiếp cận được thông tin và hiểu được chỉ số AQI là gì, bụi mịn có ảnh hưởng như thế nào, các vấn đề về ô nhiễm không khí từ đó có cách phòng, chống bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Cùng với hệ thống quan trắc không khí, quan trắc nước mặt cũng đang được Thành phố quan tâm, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang quản lý 6 trạm quan trắc nước mặt; giám sát dữ liệu quan trắc của 29 trạm quan trắc nước thải, 5 trạm quan trắc nước dưới đất, 1 trạm quan trắc khí thải của các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ trên địa bàn Thành phố. Tất cả dữ liệu từ các trạm quan trắc nước đã cung cấp thông tin xác định nguyên nhân gây ô nhiễm, cảnh báo giải pháp, cách khắc phục phù hợp.
N. HoaTối 15/11, tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024" - Tôn vinh các điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.