Hà Nội: Hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng "hút" hơn 2.000 sản phẩm
Thiết thực chào mừng 68 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022), Hà Nội tổ chức sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng và trao bằng công nhận xã Lại Yên và xã Minh Khai huyện Hoài Đức đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao tại Trung tâm Thành phố sáng tạo Mailand Hanoi City (khu đô thị mới Bắc An Khánh, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội). Sự kiện kéo dài từ ngày 7-11/10/2022.
Sau gần 4 năm triển khai, Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, công nghiệp tiểu thủ công nghiệp có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế; là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Để Chương trình OCOP phát triển bền vững và ngày càng phát huy được hiệu quả thiết thực, bên cạnh triển khai đồng bộ các giải pháp, Hà Nội đã coi trọng các hoạt động giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các vùng miền. Sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng năm 2022 thu hút hơn 100 gian hàng với trên 2000 sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của Hà Nội, 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng và 20 tỉnh, thành trong cả nước.
Đặc biệt, trong khuôn khổ sự kiện, sáng 10/10 diễn ra Gala tổng kết và trao giải cuộc thi ảnh "Một thoáng Nông thôn mới Hà Nội". Đây là cuộc triển lãm 150 bức ảnh tiêu biểu về thành tựu xây dựng Nông thôn mới của Thủ đô. Đồng thời, một trong những hoạt động thiết thực chào mừng 68 năm ngày Giải phóng Thủ đô là trao bằng công nhận xã Lại Yên và xã Minh Khai huyện Hoài Đức đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Ngoài ra, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), TikTok Việt Nam, Tập đoàn Yeah1, Công ty cổ phần giải pháp KYC tổ chức Chương trình livestream xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền trên TikTok sẽ tổ chức vào tối 11/10/2022.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó chánh Văn phòng thường trực Văn phòng điều phối chương trình xây dựng Nông thôn mới Hà Nội, đây là sự kiện quan trọng của năm 2022 tiếp nối sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT và UBND thành phố Hà Nội nhằm tích cực hỗ trợ các chủ thể, doanh nghiệp quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền trong cả nước theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ theo quyết định Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 về Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025.
Sự kiện cũng là cơ hội giúp các chủ thể OCOP của Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng nói riêng và các tỉnh, thành trên cả nước nói chung tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng, tiếp cận các giải pháp chuyển đổi số nhằm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; nâng cao năng lực cho chủ thể OCOP về năng lực cộng đồng và tinh thần hợp tác; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kỹ năng quản trị; đổi mới, sáng tạo về sản phẩm; quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, tăng cường sử dụng và khai thác thương hiệu cộng đồng các sản phẩm từ khu vực nông thôn.
Sự kiện thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương; triển khai sáng kiến "Mỗi nông dân là một thương nhân", nhằm tối ưu hóa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại sản phẩm OCOP.
Đồng thời, tăng cường liên kết "5 Nhà": Nhà nước - Nhà Nông - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp - Nhà truyền thông trong phát triển sản phẩm OCOP nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững các đặc sản, sản phẩm truyền thống của Thủ đô gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn.
Các sự kiện nêu trên sẽ góp phần quảng bá, tôn vinh và lan tỏa những giá trị văn hóa, lịch sử kết tinh trong từng sản phẩm của Hà Nội và một số tỉnh, thành trong cả nước hòa quyện vào văn hóa của người Tràng An để người tiêu dùng Thủ đô thưởng ngoạn và kết nối góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn, nhằm thúc đẩy Chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân theo hướng đi vào chiều sâu và thực chất.
Thủ đô Hà Nội là đất trăm nghề, với 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm số lượng làng nghề lớn nhất toàn quốc, hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Trong số đó có 318 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND Thành phố công nhận.
Nhờ những lợi thế đó, Hà Nội có trên 11.000 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code, có 1.649 sản phẩm OCOP, chiếm 19% của cả nước (8.340 Sản phẩm). Trong đó có 4 sản phẩm 5 sao; 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đánh giá, phân hạng; 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao.
* Văn phòng Nông thôn mới Hà Nội đồng hành cùng bài viết này.
Không khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.