Hà Nội: "Hồi sinh" gần 1.800 di sản văn hóa phi vật thể
Việc khôi phục các di sản phi vật thể không chỉ bảo tồn bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội, mà còn góp phần nuôi dưỡng đời sống tinh thần, xây dựng cộng đồng bền vững, gắn truyền thống với phát triển hiện đại.
Hà Nội hiện là một trong hai trung tâm công nghiệp văn hóa hàng đầu của cả nước. Thủ đô không chỉ sở hữu các di sản văn hóa quý giá mà còn là trung tâm văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam và cầu nối giao lưu văn hóa của cả nước với khu vực và quốc tế. Với hơn 6.400 di tích lịch sử văn hóa, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, 169 bảo vật quốc gia, 1.350 làng nghề thủ công, Hà Nội đã khai thác, tạo nên những sản phẩm công nghiệp văn hóa mang thương hiệu riêng.

Hà Nội hiện có gần 1.800 di sản văn hóa phi vật thể. Ảnh: Internet
Di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội thuộc nhiều loại hình: Nghệ thuật trình diễn, tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống, lễ hội, tri thức dân gian… Trong đó, nghệ thuật trình diễn và tri thức dân gian là hai nhóm di sản dễ bị thất truyền nhất, vì những loại hình này dễ bị tác động bởi bối cảnh, quan niệm xã hội.
Những di sản như: Hát chèo tàu ở Tân Hội, hát dô ở Liệp Tuyết, hát trống quân Khánh Hà, múa hát Ải Lao, tiếng lóng Đa Chất… đều từng có thời gian đứng trước nguy cơ biến mất do không có người thực hành. Tuy nhiên, hiện nay, hầu như di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ thất truyền đã được Hà Nội "hồi sinh".
Tiêu biểu như hát chèo tàu Tân Hội - một nghi lễ cổ từng gián đoạn truyền dạy suốt nhiều thập niên, nay đã được khôi phục thành công nhờ tâm huyết của nghệ nhân Ưu tú Ngô Thị Thu và sự hỗ trợ từ địa phương. Câu lạc bộ chèo tàu hiện có hơn 50 thành viên, trở thành nơi lưu giữ và lan tỏa loại hình nghệ thuật độc đáo này.
Hay như loại hình hát xẩm, với mong muốn đưa hát xẩm đến gần hơn với người dân, nhất là giới trẻ thông qua sản phẩm du lịch, tour du lịch “Xẩm on the bus” đã được Trung tâm Xúc tiến, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam đưa vào phục vụ công chúng, đáp ứng nhu cầu tham quan Hà Nội về đêm gắn với thưởng thức âm nhạc truyền thống. “Xẩm on the bus” kết hợp giữa biểu diễn hát xẩm và tham quan các địa điểm nổi tiếng của Thủ đô như: Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà thờ Lớn, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cột cờ Hà Nội... trên xe bus 2 tầng. Các nghệ sĩ xẩm vừa biểu diễn trực tiếp trên xe, vừa giao lưu với khán giả. Chương trình nhận được sự quan tâm và đánh giá cao từ du khách, trở thành một hoạt động văn hóa thú vị và hấp dẫn.
Nhiều di sản khác cũng từng bước được hồi sinh và truyền bá rộng rãi như: hát dô, hát trống quân Khánh Hà, múa hát Ải Lao, tiếng lóng Đa Chất… Gắn với mỗi di sản là những câu lạc bộ, lớp truyền dạy, không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Đầu năm 2025, Lễ hội hát chèo tàu Tổng Gối vinh dự được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là minh chứng sống động cho hành trình hồi sinh một di sản từ nguy cơ thất truyền trở lại cuộc sống.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã và đang rà soát toàn bộ hệ thống di sản, lên danh sách những di sản có giá trị độc đáo, di sản có nguy cơ thất truyền hoặc di sản đáp ứng cả hai yêu cầu trên để ưu tiên cho công tác bảo tồn. Những di sản thuộc danh mục ưu tiên sẽ được đầu tư hỗ trợ về kinh phí hoạt động, truyền dạy; tổ chức phối hợp với các nghệ nhân nghiên cứu, sưu tầm… để hoàn thiện tư liệu rồi trao truyền lại cho chính nghệ nhân.
Song, theo Phó Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Thị Hương Thủy, bước đột phá trong các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể phải kể đến Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND Quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, nghệ nhân và câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (Nghị quyết 23) do Hội đồng nhân dân thành phố ban hành tháng 12/2022.
Nghị quyết 23 gồm ba trụ cột chính: Hỗ trợ nghệ nhân, hỗ trợ câu lạc bộ thực hành di sản, hỗ trợ việc truyền dạy và luyện tập. Chính sách này kết hợp với các hoạt động hỗ trợ chuyên môn của Sở Văn hóa và Thể thao, hỗ trợ kinh phí đặc thù của địa phương giúp các di sản hồi sinh mạnh mẽ.
Đồng thời, trong Nghị quyết số 24/NQ-HĐND, HĐND thành phố cũng đề nghị UBND thành phố tổ chức tuyên truyền, quảng bá, hỗ trợ và huy động các nguồn lực của tổ chức, cá nhân nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa theo các danh mục; tổ chức tổng kết, điều chỉnh sửa đổi, bổ sung danh mục phù hợp với từng giai đoạn phát triển của Thủ đô; nghiên cứu phương án điều chỉnh sửa đối danh mục phù hợp sau khi hoàn thành việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Kỳ họp thứ 25 HĐND TP. Hà Nội sẽ diễn ra từ ngày 8 đến ngày 10/7/2025; kỳ họp dành 1/2 ngày (ngày 10/7) để thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và những vấn đề bức xúc mà Đại biểu HĐND thành phố và cử tri Thủ đô quan tâm.