Hà Nội: Hơn 1.300 điểm bán hàng hoạt động xuyên Tết
Nhằm hỗ trợ khách hàng mua sắm thuận lợi trên cả các kênh mua sắm truyền thống và online trong dịp tết, các siêu thị tại Hà Nội kéo dài thời gian hoạt động hoặc mở cửa xuyên Tết.
Bộ Công Thương đã làm việc với Sở Công Thương Hà Nội về công tác đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, các doanh nghiệp khẳng định đảm bảo cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng khan hàng tăng giá. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình vận chuyển hàng hóa.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, để đảm bảo thời gian phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, đến nay, đã có trên 1.300 điểm bán hàng của các đơn vị bán lẻ đăng ký mở cửa bán hàng trở lại từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 5 Tết, từ mùng 6 Tết trở đi, các hệ thống hoạt động bình thường phục vụ nhân dân.
Hà Nội sẽ phối hợp với 43 tỉnh, thành xây dựng, phát triển và duy trì 1.327 chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm, thủy sản an toàn, cung ứng cho thành phố Hà Nội, qua đó góp phần cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố, nhất là trong dịp Tết.
Sở Công Thương cũng phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố hướng dẫn, cho phép xe ô tô vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xăng, dầu hoạt động 24/24h. Danh sách 190 xe vận chuyển hàng hóa đã được gửi để các đơn vị liên quan cấp phép, đảm bảo lưu thông hàng hóa trong dịp Tết.
Dự kiến, lượng hàng hóa thực hiện chương trình bình ổn thị trường của TP. Hà Nội có thể đáp ứng 1/3 nhu cầu thị trường trong một tháng.
Để chủ động nguồn hàng phục vụ nhân dân trong dịp Tết, năm 2024, Sở Công Thương Hà Nội đã tạo điều kiện trên 600 lượt doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh tham gia giao thương, hội chợ, tuần hàng tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Qua đó đã hỗ trợ kết nối, tiêu thụ trên 3.000 sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của Hà Nội và các tỉnh vào hệ thống phân phối, hỗ trợ kết nối tiêu thụ khoảng 500.000 tấn hàng hóa từ các tỉnh, thành phố. Thông qua các hoạt động này, các doanh nghiệp đã khai thác đa dạng nguồn cung, đảm bảo chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Đến nay, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và ký kết các hợp đồng khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 5-20% tùy từng mặt hàng; tại các điểm bán hàng, lượng hàng hoá đã được tăng cường từ 30-35% sẵn sàng phục vụ nhân dân; trong đó, tỷ trọng hàng Việt Nam chiếm khoảng 85-90%.
Thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện Chương trình bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, đến nay đã có 22 doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán, cung ứng các mặt hàng bình ổn tới hơn 10.600 điểm bán. Trong số đó, có nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao như Saigon Co.op, Central Retail, MM Mega Market, Lotte, Hapro…
Minh An (t/h)Năm 2024 ghi nhận lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ chi tới hơn 1,15 tỷ USD để nhập khẩu gần 192.200 tấn hạt điều của Việt Nam.