Hà Nội: Hơn 2.146 tỷ đồng nộp ngân sách từ xử lý vi phạm gian lận thương mại

Trong 6 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội đã kiểm tra, bắt giữ 9.582 vụ, xử lý 8.542 vụ việc vi phạm; thu nộp ngân sách trên 2.146 tỷ đồng. Đáng chú ý, các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi đòi hỏi thành phố phải đổi mới phương thức kiểm tra, giám sát từ gốc.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội, trong 6 tháng năm 205, tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc; tình trạng sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, hàng hóa vi phạm đa dạng… nhất là các vi phạm, tội phạm trên không gian mạng (các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội...).

Trong 6 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng trên địa bàn kiểm tra, bắt giữ 9.582 vụ, xử lý 8.542 vụ việc vi phạm (trong đó có 1.337 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 6.330 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; 875 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ).

Qua đó, thu nộp ngân sách Nhà nước 2.146 tỷ 185 triệu đồng (trong đó, số tiền phạt hành chính, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp 576 tỷ 94 triệu đồng; tiền phạt bổ sung, truy thu thuế 1.565 tỷ 808 triệu đồng; Tiền bán hàng tịch thu 4 tỷ 283 triệu đồng). Cơ quan chức năng khởi tố hình sự 115 vụ, 170 bị can.

Hà Nội: Hơn 2.146 tỷ đồng nộp ngân sách từ xử lý vi phạm gian lận thương mại- Ảnh 1.

Các lực lượng trong Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội xử lý vụ việc vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu gạo ST25.

Nhiều vụ việc điển hình cho thấy mức độ tinh vi của các thủ đoạn. Có thể kể đến vụ phát hiện 14.196 con gà đông lạnh và 560 kg nội tạng gà không rõ nguồn gốc tại huyện Thường Tín cũ; hay vụ 10.566 kg thực phẩm các loại (lòng bò, xách bò, phổi bò...) bị phát hiện tại một hộ kinh doanh ở huyện Phú Xuyên cũ.

Lực lượng chức năng còn thu giữ 7.543 sản phẩm hóa mỹ phẩm trẻ em mang nhãn hiệu nổi tiếng như Hipp, Aptamil, L'oreal... không có hóa đơn, chứng từ, trị giá ước tính trên 1,1 tỷ đồng. Đặc biệt, Công an thành phố đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán hơn 100 tấn thực phẩm chức năng giả, khởi tố 7 bị can.

Bên cạnh các thủ đoạn như thành lập nhiều doanh nghiệp, đăng ký tại nhiều địa điểm, hoạt động khép kín ở nơi hẻo lánh… theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 389 thành phố Nguyễn Kiều Oanh, một hình thức mới được các đối tượng sử dụng là nhập thuốc thật, sau đó tách vỉ hoặc gói, thay thế một số viên bằng thuốc giả kém chất lượng để tăng lợi nhuận, rất khó phát hiện bằng kiểm tra thông thường.

Các đối tượng cũng sử dụng bao bì, nhãn hiệu, tem chống hàng giả tinh vi sao chép từ hàng thật, thậm chí đặt in màng nhôm, in vỏ hộp giống nguyên mẫu để đánh lừa người tiêu dùng và lực lượng chức năng kiểm tra…

Hà Nội: Hơn 2.146 tỷ đồng nộp ngân sách từ xử lý vi phạm gian lận thương mại- Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo 389 thành phố phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Internet

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 thành phố - nhận định, 6 tháng cuối năm là giai đoạn cao điểm của hoạt động lưu thông, tiêu dùng hàng hóa, cũng là lúc buôn lậu, gian lận thương mại gia tăng mạnh. Vì vậy, cần chủ động kiểm soát từ sớm, từ xa, nâng hiệu quả phối hợp và xử lý triệt để các hành vi vi phạm, đặc biệt những gì liên quan đến sức khỏe cộng đồng như thực phẩm, thuốc, mỹ phẩm.

Lãnh đạo thành phố yêu cầu các địa phương nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo 389 cấp xã, phường, đồng thời phân loại địa bàn, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm, đặc biệt trên thương mại điện tử và không gian mạng để tăng cường kiểm tra đột xuất, ngăn chặn kịp thời vi phạm.

Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội sẽ phối hợp với các sở, ngành chức năng rà soát, nâng cấp các trung tâm kiểm định chất lượng cao trên địa bàn thành phố, trang bị các ô tô kiểm định chất lượng hàng hoá để có thể test nhanh hàng hoá trong quá trình kiểm tra, kiểm soát các vụ việc vi phạm.

Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh: “Phải xác định rõ người, rõ việc, nâng trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đồng thời đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, giúp người dân và doanh nghiệp nói không với hàng hóa vi phạm”.

Huyền My
Ý kiến của bạn
Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá sự kiện Ngày hội Cua Cà Mau lần thứ II Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá sự kiện Ngày hội Cua Cà Mau lần thứ II

Đây là một trong những chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử tại buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương có liên quan nhằm rà soát công tác chuẩn bị tổ chức Ngày hội Cua Cà Mau lần thứ II năm 2025.