Hà Nội: Hướng đến nền hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp thuận lợi nhất
Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn đề nghị thành phố tiếp tục đổi mới trong tiếp nhận và giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC… để phục vụ người dân, doanh nghiệp thuận lợi nhất.
Sáng 5/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Trần Văn Sơn dẫn đầu đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ tiến hành khảo sát thực tế và chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội về công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) và bảo đảm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Dự và làm việc với đoàn có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn; lãnh đạo các sở, ngành của Thành phố.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn nhấn mạnh, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác cải cách TTHC, bảo đảm thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, để đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong chỉ đạo, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo thuận lợi trong hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội.
Qua đó, những nhiệm vụ nêu trên đã đạt được kết quả bước đầu tích cực, góp phần từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, hạn chế tham nhũng, tiêu cực, rút ngắn thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông cơ bản chặt chẽ, nề nếp
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, VPCP làm việc với thành phố Hà Nội nhằm khảo sát, trao đổi, thảo luận, xác định khó khăn, vướng mắc còn gặp phải, để từ đó, có giải pháp khắc phục, làm tốt hơn công tác này, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Chánh Văn phòng UBND Thành phố Trương Việt Dũng cho biết, Hà Nội xác định công tác kiểm soát TTHC và thực hiện cơ chế một cửa liên thông là nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách hành chính của Thành phố. Chủ tịch UBND Thành phố đã chỉ đạo triển khai nhanh chóng, kịp thời các công việc theo quy định và theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Việc tổ chức triển khai rà soát, đơn giản hóa TTHC đạt hiệu quả cao; hoạt động tham mưu công bố và công khai TTHC được thực hiện nghiêm, đúng quy định, bảo đảm việc tiếp cận, thực hiện TTHC của tổ chức, cá nhân được đơn giản, thuận lợi.
Từ năm 2021 đến quý I/2023, UBND Thành phố đã ban hành 71 Quyết định công bố TTHC, trong đó, ban hành danh mục 1.661 TTHC, thay thế 204 TTHC, bãi bỏ 1.584 TTHC. Tính đến ngày 24/5/2023, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành 14 Quyết định, công bố 87 TTHC nội bộ các lĩnh vực: Nội vụ, Tư pháp, Lao động-Thương binh và Xã hội, Kiểm soát thủ tục hành chính và Văn phòng, Giao thông Vận tải, Tài chính, Du lịch, Ngoại vụ, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Quy hoạch và Kiến trúc, Y tế…
Việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông cơ bản chặt chẽ, nề nếp, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi đến giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước. Việc giải quyết TTHC được các cấp, các ngành quan tâm, tỷ lệ giải quyết TTHC đúng hạn, trước hạn của Thành phố đạt kết quả cao; việc tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh về quy định hành chính, thực hiện TTHC được thực hiện đúng quy định. Việc tiếp nhận giải quyết TTHC được các đơn vị trên địa bàn thực hiện nghiêm túc và nhiều hồ sơ TTHC được trả trước hạn. Tính từ năm 2021 đến quý I/2023, Hà Nội đã tiếp nhận hơn 8 triệu hồ sơ; đã giải quyết trước hạn, đúng hạn hơn 7,9 triệu hồ sơ (đạt 99,8%).
Đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, đến hết năm 2022, Thành phố đã cơ bản hoàn thành các nội dung nhiệm vụ trong Đề án 06/Chính phủ (Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030). Đặc biệt, đã hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo đúng lộ trình của Đề án 06 (đạt 100%).
Thành phố đã ban hành các quyết định ủy quyền giải quyết TTHC theo các ngành, lĩnh vực, đảm bảo thực hiện mục tiêu cải cách TTHC, đẩy mạnh ủy quyền thực hiện TTHC theo hướng “Cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực”. Đến nay, Thành phố đã ban hành Quyết định ủy quyền 531/617 TTHC đạt tỷ lệ 86,06%; đã ban hành Quy trình nội bộ: 485/617 TTHC, đạt tỷ lệ 78,6%.
Đổi mới trong tiếp nhận và giải quyết TTHC
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn nhận định, dù gặp nhiều khó khăn nhưng năm 2022 Hà Nội đã có kết quả tăng trưởng tích cực; chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2022 tăng 7 bậc, từ thứ 10 lên đứng thứ 3/63 địa phương; Tổng sản phẩm trên địa bàn (GDRP) Quý I năm 2023 tăng 5,80%... Hà Nội đã rất nỗ lực trong hiện đại hóa phương thức cải cách TTHC, phục vụ sự chỉ đạo, điều hành.
Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP mong muốn UBND thành phố Hà Nội tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác này; cần đẩy mạnh hơn nữa cải cách quy định TTHC; triển khai đổi mới trong tiếp nhận và giải quyết TTHC, trong đó quan tâm, đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC… để phục vụ người dân, doanh nghiệp thuận lợi nhất.
Là địa phương được chọn làm điểm, Hà Nội cần tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06 của Chính phủ, và tháo gỡ các "điểm nghẽn" trong triển khai Đề án 06 về thể chế, hạ tầng công nghệ thông tin, dịch vụ công, dữ liệu và nguồn lực.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh tiếp thu các ý kiến của đoàn công tác và khẳng định Hà Nội sẽ nỗ lực hết sức, nhanh nhất trong công tác CCHC để thực sự hướng đến nền hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Thương HuyềnXu hướng tăng lãi suất tiết kiệm tiếp tục lan rộng trong tháng 11 khi nhiều ngân hàng đẩy mạnh cạnh tranh, áp dụng mức lãi suất tiết kiệm hấp dẫn, đặc biệt dành cho các khoản tiền gửi dài hạn.