Hà Nội: Kết nối nông sản thực phẩm an toàn cung ứng tới hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn thành phố

Kinh doanh
06:25 PM 10/08/2022

Sáng 10/8, tại Trung tâm hội chợ triển lãm nông nghiệp (489 Hoàng Quốc Việt, quận Bắc Từ Liêm), Sở Công Thương Hà Nội tổ chức khai mạc Hội chợ kết nối nông sản thực phẩm an toàn cung ứng cho các chợ trên địa bàn thành phố năm 2022.

Hội chợ đã thu hút 150 gian hàng của 70 đơn vị tham gia với nhiều chủng loại sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền, các sản phẩm OCOP của địa phương cung ứng, kết nối tới hệ thống chợ truyền thống, siêu thị qua đó phục vụ nhu cầu tiêu dùng người dân Thủ đô.

Ban tổ chức cho biết, đã thông tin, mời các doanh nghiệp, siêu thị, các chuỗi, sàn giao dịch thực phẩm; các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tới tham quan các gian hàng trong suốt thời gian diễn ra hội chợ để nâng cao hiệu quả kết nối tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm nguồn cung hàng hóa đưa vào tiêu thụ tại hệ thống chợ trên địa bàn thành phố.

Hà Nội: Kết nối nông sản thực phẩm an toàn cung ứng tới hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn thành phố - Ảnh 1.

Người tiêu dùng tham quan mua sắm tại Hội chợ kết nối nông sản thực phẩm an toàn cung ứng cho các chợ trên địa bàn thành phố năm 2022. Nguồn: Internet.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, hiện nay, hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố, ngoài việc phát triển các loại hình thương mại hiện đại thì việc duy trì, phát triển kênh phân phối truyền thống cũng là nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, chợ truyền thống là kênh phân phối tồn tại lâu đời và gắn bó với đời sống nhân dân, cung ứng lượng lớn thực phẩm thiết yếu.

Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng sản phẩm thực phẩm lưu thông tại chợ còn tồn tại cần khắc phục. Cụ thể, một số hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ chưa được thực hiện thường xuyên; các điều kiện vệ sinh trong sản xuất, kinh doanh chưa đáp ứng đầy đủ theo quy định; điều kiện cơ sở vật chất tại một số chợ đã bị xuống cấp, không bảo đảm an toàn thực phẩm…

Trước thực trạng đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4727/QĐ-UBND phê duyệt Đề án "Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025" và chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị tập trung triển khai thực hiện.

Đến nay, đã đạt được một số kết quả trọng tâm trong việc thông tin, tuyên truyền về an toàn thực phẩm và về Đề án; tổ chức ký cam kết đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm an toàn thực phẩm... Hoàn thành công tác rà soát, khảo sát thực trạng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ.

Theo đó, hiện TP Hà Nội có 22.286 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ, trong đó có 17.804 cơ sở thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 1.483 cơ sở thuộc lĩnh vực công thương, 2.999 cơ sở thuộc lĩnh vực y tế…

Hà Nội: Kết nối nông sản thực phẩm an toàn cung ứng tới hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn thành phố - Ảnh 2.

Người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại hội chợ. Nguồn: Internet.

Để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được và phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra tại Đề án "Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025", Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thời gian tới đơn vị sẽ tăng cường công tác thanh kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn TP Hà Nội. Trong đó, chú trọng tới hệ thống chợ truyền thống.

Bên cạnh đó, triển khai xây dựng tại một số trạm xét nghiệm nhanh chất lượng sản phẩm; Hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trong chợ hoàn thiện những điều kiện theo quy định để được cấp biển nhận diện; Tăng cường quản lý đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ theo quy hoạch; Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Cũng trong ngày 10/8, Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội phối hợp với UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức khai mạc Tuần hàng tư vấn, giới thiệu sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội năm 2022 tại Công viên Thống nhất Hà Nội.

Với hơn 100 gian hàng, đa dạng chủng loại, Tuần hàng giúp các chủ thể sản xuất, kinh doanh tăng cường kết nối giao thương tìm đầu ra cho sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số, các giải pháp thích ứng linh hoạt sau đại dịch và biến động thị trường. Đặc biệt, đây còn là hoạt động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới.

Tính đến nay, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và công nhận 1.649 sản phẩm OCOP. Tuần hàng diễn ra từ ngày 10 đến 14-8.


Nam Dương
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.