Hà Nội: Khách sạn tung chương trình giảm giá để kích cầu du lịch
Để thu hút lượng khách du lịch đến Hà Nội lưu trú tại Hà Nội, nhiều khách sạn trên địa bàn Thủ đô đã có chính sách ưu đãi, giảm giá hấp dẫn.
Sở Du lịch Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội có 3.760 cơ sở lưu trú với 71.246 phòng. Cụ thể, có 607 khách sạn, khu căn hộ được xếp hạng từ 1 đến 5 sao, với tổng số 26.641 phòng. Từ đầu năm đến nay, lượng khách đến và lưu trú tại Hà Nội đã đông hơn. Cụ thể, trong tháng 5/2024, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn đạt 64,7%, tăng 1,0% so với cùng kỳ năm 2023.
Dự kiến 6 tháng đầu năm, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 63,9%, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2023. Một số khách sạn 4-5 sao ở khu vực trung tâm Hà Nội, như: Melia, Sheraton, Hilton Opera... đón được nhiều đoàn khách là thương nhân theo hình thức du lịch MICE.
Ở khu vực ngoại thành, những khu nghỉ dưỡng cao cấp, như: Làng Mít, Glory resort (Sơn Tây), Asean resort (Thạch Thất); Medi Thiên Sơn, Paragon resort (Ba Vì)… cũng có lượng khách ổn định.
Tuy nhiên, so với thời điểm trước COVID-19, lượng khách lưu trú chưa cao, điều này đặt ra bài toán cho du lịch Hà Nội cần phải có chiến lược kích cầu thu hút du khách hiệu quả hơn.
Hiện nay, để hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch nội địa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với chủ đề “Người Việt Nam du lịch Việt Nam - Việt Nam tôi yêu”, đồng thời nhằm thu hút khách du lịch nội địa đến với Hà Nội, nhất là trong dịp mùa thu hè 2024, Sở Du lịch Hà Nội đang phát động chương trình kích cầu hoạt động trải nghiệm tại các khách sạn 4-5 sao tại Hà Nội.
Nhiều cơ sở lưu trú đã có kế hoạch kích cầu bằng những chương trình hấp dẫn. Điển hình như khách sạn JW Marriot Hà Nội đưa ra chương trình ưu đãi trong tháng hè dành cho các gia đình, với mức giá 4,5 triệu đồng/đêm kèm nhiều dịch vụ như ăn sáng, trà chiều. Khách sạn Silk Path đưa ra chương trình ưu đãi giảm giá 15% vào mùa hè. Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội cũng xây dựng chương trình ưu đãi và linh hoạt, cho phép khách nhận phòng lúc 12h và trả phòng lúc 14h.
Ở ngoại thành Hà Nội, nhiều cơ sở lưu trú hạng sang cũng có chương trình kích cầu vào dịp hè, giúp lượng khách tăng đáng kể. Quản lý khu resort Melia Ba Vì Hoàng Văn Phương cho biết, đơn vị triển khai chính sách khách đến nghỉ được trải nghiệm nhiều hoạt động tham quan, đặc biệt là cắm trại, teambuilding miễn phí trong gói dịch vụ vui chơi trong ngày. Còn khu nghỉ dưỡng Glory Resort (thị xã Sơn Tây) đang áp dụng chương trình giảm giá một số ngày để thu hút khách lưu trú ở lại lâu hơn.
Mặc dù các khách sạn đã có chương trình giảm giá thuê phòng, nhưng theo các chuyên gia du lịch để thu hút khách đòi hỏi ngoài chính sách giảm giá, Hà Nội cần có thêm nhiều sản phẩm du lịch trải nghiệm qua đó níu chân du khách lưu trú lâu hơn.
Các doanh nghiệp du lịch cần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tổ chức nhiều sự kiện thu hút du khách. Bên cạnh đó, cần tăng cường các công tác xúc tiến quảng bá để khẳng định vị thế là là cửa ngõ trung chuyển khách du lịch của cả nước.
Ngoài ra, muốn thu hút du khách lưu trú dài hơn và chi tiêu nhiều hơn cần có sự “bắt tay” chặt chẽ giữa hàng không, khách sạn, doanh nghiệp lữ hành, điểm đến từ đó tạo ra sản phẩm du lịch với giá cạnh tranh, ưu đãi thu hút du khách. Các khách sạn cần có thông tin cập nhật, chính xác, chính sách ưu đãi cho các hãng lữ hành.
Minh An (t/h)Việt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới với vị trí 23. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 354 tỷ USD hàng hóa, chiếm tỷ trọng 1,5% toàn cầu.