Hà Nội: Khai mạc Tuần hàng tư vấn, giới thiệu sản phẩm OCOP Thành phố năm 2022
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội vừa phối hợp với UBND huyện Phúc Thọ tổ chức Tuần hàng tư vấn, giới thiệu sản phẩm OCOP TP Hà Nội năm 2022. Sự kiện diễn ra từ ngày 30/7 đến ngày 3/8.
Phát biểu tại chương trình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, tính đến nay, TP Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và công nhận được 1.649 sản phẩm OCOP; 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao. Trong đó, ngành thực phẩm 1.071 sản phẩm, ngành đồ uống 35 sản phẩm, ngành thảo dược 17 sản phẩm, ngành Thủ công mỹ nghệ 492 sản phẩm, ngành Vải và may mặc 34 sản phẩm.
Những năm qua, Thành phố đã quan tâm, tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại, tổ chức các tuần hàng giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng. Qua đó, sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền từng bước được người tiêu dùng nhận diện, đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã bao bì, phong phú về chủng loại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Xây dựng được 55 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn.
Để tiếp tục hỗ trợ các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bản sản phẩm OCOP TP Hà Nội năm 2022 với mục đích nhằm tuyên truyền về chương trình OCOP, sản phẩm OCOP để các doanh nghiệp, cá nhân nhận diện, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm OCOP sản xuất cung ứng sản phẩm OCOP đảm bảo tiêu chuẩn, yêu cầu, thị hiếu, thủ tục của nhà phân phối, người tiêu dùng để đẩy mạnh khai thác, tiêu thụ sản phẩm OCOP chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, giá cả phù hợp.
Để Tuần hàng OCOP đạt hiệu quả, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị các chủ thể có sản phẩm OCOP được UBND TP Hà Nội công nhận tham gia Tuần hàng tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị để đưa sản phẩm OCOP ngày càng phát triển.
Các đơn vị phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online tăng cường kết nối giao thương, tiêu thụ các sản phẩm OCOP để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Sự kiện cũng giúp các chủ thể sản xuất, kinh doanh tăng cường kết nối giao thương tìm đầu ra cho sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số, các giải pháp thích ứng linh hoạt sau đại dịch và biến động thị trường. Đặc biệt, đây còn là hoạt động thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn, hiện trên địa bàn huyện có 60 làng có nghề, trong đó 5 làng nghề được thành phố công nhận. Cùng với đó, Phúc Thọ có địa hình đa dạng miền đồng, miền bãi, ven sông và đồi gò... nên đa dạng sản phẩm nông sản. Đến nay, huyện có 53 sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP như: Bưởi Phúc Thọ, thịt lợn sinh học Thọ Lộc, rau an toàn Thanh Đa, chuối Vân Nam...
Tại tuần hàng, 50 gian hàng trưng bày sản phẩm của huyện Phúc Thọ bao gồm khu trưng bày sinh vật cảnh và gian hàng tiêu chuẩn, gồm sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng của 21 xã, thị trấn (mỗi xã một gian hàng); gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP; gian hàng sản phẩm thủ công mỹ nghệ, gian hàng sản phẩm làng nghề và ẩm thực.
Nam DươngTheo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.