Hà Nội: Khai thác tiềm năng, lợi thế từ sản phẩm OCOP du lịch
Trong nỗ lực đưa du lịch trở thành một lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, Hà Nội đang đẩy mạnh khai thác lợi thế từ sản phẩm OCOP du lịch. Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã có 2 sản phẩm OCOP đầu tiên được đánh giá, phân hạng thuộc nhóm sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”.
Sau hơn 4 năm triển khai Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (Chương trình OCOP), các bộ ngành, địa phương đã triển khai hiệu quả nhiều sản phẩm, trong đó có nhóm sản phẩm "Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch".
Đối với Hà Nội, năm 2022, TP đã có 2 sản phẩm OCOP đầu tiên được đánh giá, phân hạng thuộc nhóm sản phẩm "Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch". Đó là điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín) và khu sinh thái Phù Đổng Green Park (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm). Việc triển khai các sản phẩm OCOP về du lịch là một trong những định hướng quan trọng để các địa phương khai thác tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch nông thôn một cách bài bản hơn.
Trải nghiệm tại điểm du lịch Hồng Vân, mọi người sẽ di chuyển bằng xe đạp, xích lô, xe điện,... để ngắm nhìn những sắc màu rực rỡ của những loài hoa, những thửa ruộng xanh mướt trải dài, những hàng cây cảnh quan và dừng chân nghỉ tại những hàng ghế đá bên đường, thưởng thức những món ăn, đồ uống của vùng đất sa bồi ven sông Hồng.
Đặc biệt, du khách sẽ cảm nhận được sự thân thiện, mến khách của những người nông dân chân chất thôn quê và cùng hòa mình vào quá trình lao động sản xuất như những người nông dân thực thụ. Cùng thưởng thức những sản vật đồng quê tại mô hình ẩm thực, chụp ảnh lưu niệm tại những vườn hoa, hàng cây, cảnh quan trên địa bàn xã và các nhà vườn,...
Là mảnh đất gắn liền với truyền thuyết Tiên Dung - Chử Đồng Tử, du khách sẽ được trải nghiệm đặt chân lên bãi tắm năm xưa nơi công chúa Tiên Dung gặp chàng trai họ Chử, được đi thăm các cụm đình, đền gắn liền với những triều đại phong kiến như: Lăng đá Quận Vân, Nhà bia Tiến sĩ Nguyễn Ý, Đình Xâm Xuyên, Đền Mẫu thoải Xâm Thị, nhà thờ Cơ Giáo – Bằng Sở,... được thăm nơi cha con thánh Chử Đồng Tử sinh nhai, lập nghiệp,... và nhiều điển tích thấm đậm tâm hồn Việt.
Bên cạnh đó, du khách có thể tham dự và giao lưu với các sự kiện văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí tại trung tâm văn hóa, thể thao của xã và mô hình nông trại giáo dục, thăm quan phòng lưu niệm để hiểu được truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của các thế hệ người Hồng Vân. Ước tính, mỗi năm Hồng Vân đón hơn 20.000 lượt du khách, doanh thu từ du lịch đạt hơn 1 tỷ đồng. Du khách cũng là người tiêu thụ các loại nông sản đặc trưng như cây giống, trà thảo dược của người dân nơi đây.
Tương tự, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km, Khu sinh thái Phù Đổng Green Park với quy mô 15,6ha tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm cũng đang hoạt động hiệu quả. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thương mại và Phát triển Phù Đổng Xanh Nguyễn Xuân Hùng cho biết, Khu sinh thái Phù Đổng Green Park có các điểm hoạt động, phù hợp với nhiều đối tượng như: Khu giáo dục trải nghiệm dành cho học sinh, khu trải nghiệm sinh thái để tổ chức sự kiện, khu du lịch tâm linh kết nối với các di tích trên địa bàn…
Một trong những yếu tố tích cực của khu sinh thái Phù Đổng Green Park chính là góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP quanh vùng như các sản phẩm từ sữa bò, hoa, cây cảnh Phù Đổng…
Nói về sản phẩm OCOP - Điểm dịch vụ du lịch làng quê Hồng Vân, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng cho biết: Sản phẩm này của Hồng Vân được đánh giá xếp hạng OCOP là minh chứng cho sự thành công trong việc phát triển Chương trình OCOP của xã. Đây cũng là nỗ lực trong quá trình phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương.
Trao đổi với các cơ quan báo chí, Phó Giám đốc Sở Du Lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, điểm du lịch xã Hồng Vân và Khu du lịch sinh thái Phù Đổng Green Park được Hội đồng đánh giá OCOP thành phố Hà Nội phân hạng là điều kiện để các địa phương tuyên truyền, quảng bá tới du khách trong nước và quốc tế. Qua việc xếp sao sản phẩm OCOP, du khách sẽ cảm nhận được chất lượng của sản phẩm và đơn vị phụ trách có trách nhiệm duy trì, nâng cấp các hạng sao.
Việc các sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP chính là hướng đi đúng để chuẩn hóa và phát triển. Qua đó, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế, văn hóa khu vực nông thôn Hà Nội. Khi sản phẩm du lịch được công nhận là sản phẩm OCOP sẽ được nhiều du khách biết đến.
Hiện tại, sản phẩm OCOP liên quan du lịch nông thôn còn nhiều dư địa phát triển nhưng cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Cần tránh tình trạng hình thức, phong trào vì thực tế đã xuất hiện các sản phẩm cẩu thả, chỉ chú trọng gắn mác.
Muốn vậy, cần tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm OCOP; chú trọng đánh giá, phân hạng sản phẩm trước và sau khi được công nhận nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể đối với người tiêu dùng. Cần có thêm nhiều quy định chặt chẽ, chế tài nghiêm khắc hơn về trách nhiệm của cơ quan quản lý, người đứng đầu, cơ sở kinh doanh du lịch, các điểm đến nếu để xảy ra tình trạng sản phẩm OCOP giả mạo, kém chất lượng.
Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ những điểm có điều kiện và tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng và các sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống; xây dựng cơ chế và thực hiện chính sách về hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch nông thôn, làng nghề; chính sách thu hút doanh nghiệp vào đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; xúc tiến quảng bá, bảo tồn giá trị văn hóa; hỗ trợ đào tạo cho người dân làm du lịch... Qua đó tạo điều kiện để du lịch nông thôn phát triển, trở thành sản phẩm OCOP của thành phố.
Thương HuyềnCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.