Hà Nội: Khai thác tiềm năng vùng ven đô qua mô hình du lịch nông nghiệp

Địa phương
10:44 AM 14/07/2025

Trong chiến lược phát triển du lịch gắn với tăng trưởng xanh và xây dựng nông thôn mới nâng cao, Hà Nội đang từng bước khai thác tiềm năng vùng ven đô thông qua mô hình du lịch nông nghiệp. Hướng đi này vừa kết nối không gian làng quê với nhịp sống đô thị, vừa góp phần phát huy giá trị nông nghiệp, bảo tồn bản sắc và mở rộng sinh kế bền vững cho người dân.

Với lợi thế đa dạng sinh thái, văn hóa, Hà Nội có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nông nghiệp. Mỗi địa phương đều sở hữu nét riêng: từ cảnh quan sinh thái đa dạng, không gian làng nghề truyền thống đến những vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đây là nền tảng quan trọng để Hà Nội khai thác loại hình du lịch xanh, thân thiện và giàu tính giáo dục.

Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, hiện toàn thành phố có hơn 100 mô hình du lịch nông nghiệp - nông thôn đang được triển khai có thể kể đến như: Điểm du lịch xã Dương Xá, điểm du lịch Phù Đổng (huyện Gia Lâm cũ); điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng, điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm (huyện Thường Tín cũ); điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín cũ); Khu thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức cũ), khu vực núi Hàm Lợn (huyện Sóc Sơn cũ)… Đáng chú ý, nhiều mô hình không chỉ phát huy tốt hiệu quả kinh tế mà còn góp phần xây dựng thương hiệu vùng, thúc đẩy phát triển nông thôn mới nâng cao.

Hà Nội: Khai thác tiềm năng vùng ven đô qua mô hình du lịch nông nghiệp- Ảnh 1.

Ảnh: Khánh Huy

Các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đã trở thành điểm đến thu hút khách, nhất là đối với học sinh và giới trẻ. Không chỉ được tận hưởng không gian, cảnh quan của vùng nông thôn, du khách còn được trải nghiệm các hoạt động gắn với nông nghiệp, thưởng thức sản phẩm do chính tay mình chế biến, tăng thêm vốn hiểu biết về nông nghiệp… Tại các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn, đời sống người dân cũng dần thay đổi nhờ vào làm dịch vụ du lịch.

Tại xã Hồng Vân, huyện Thường Tín cũ từ một xã thuần nông đến nay đã phát triển theo hướng làng nghề sinh vật cảnh kết hợp khai thác dịch vụ du lịch sinh thái trải nghiệm. Mỗi năm xã Hồng Vân đón gần 6 vạn lượt khách đến du lịch trải nghiệm, thu nhập ước tính đạt trên 6 tỷ đồng/năm. 

Hà Nội: Khai thác tiềm năng vùng ven đô qua mô hình du lịch nông nghiệp- Ảnh 2.

Tại điểm du lịch xã Hồng Vân có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo... Ảnh: VGP

Tại phường Giang Biên, quận Long Biên cũ trước đây, người nông dân chỉ gắn mình với đồng ruộng nên cuộc sống không khỏi nhiều vất vả. Có những thời điểm thu nhập chỉ trông vào nghề bện thừng, đan võng và trồng rau, công sức bỏ ra nhiều nhưng hiệu quả mang lại không cao. 

Mọi thứ dần thay đổi khi các hộ nông dân trong vùng được tiếp cận và chuyển đổi sản xuất theo hướng phát triển các sản phẩm du lịch từ nguồn tài nguyên nông nghiệp, sinh thái của các chuyên gia của mô hình du lịch nông nghiệp VietHarvest AgriTour. Bên cạnh công việc nhà nông truyền thống, người nông dân Giang Biên được đào tạo thêm cả về kỹ năng giao tiếp, quảng bá sản phẩm để phục vụ du khách tốt hơn. 

Từ đó, du khách trong và ngoài nước nườm nượp đổ về Giang Biên để tham quan những khu vườn, trải nghiệm làm nông, cách trồng, chăm sóc và thu hoạch các loại nông sản… Đời sống người dân Giang Biên nhờ đó mà thay đổi, khấm khá. Đây là ví dụ điển hình cho xu hướng “chuyển từ bán nông sản sang bán trải nghiệm” - mô hình tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho nông nghiệp.

Hà Nội: Khai thác tiềm năng vùng ven đô qua mô hình du lịch nông nghiệp- Ảnh 3.

Khách quốc tế hào hứng trải nghiệm hoạt động cấy lúa tại Làng cổ Đường Lâm. (Ảnh: TTXVN phát)

Được mệnh danh là ngôi là đặc trưng nhất cho vùng quê Bắc Bộ, làng cổ Đường Lâm từ lâu đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Lượng khách đến Đường Lâm để ngắm nhìn cây đa cổ thụ, mái đình rêu phong, giếng nước xây bằng đá ong có đến hàng triệu lượt mỗi năm.

Bên cạnh hoạt động tham quan, Đường Lâm đang tìm cách giữ chân du khách bằng những trải nghiệm độc đáo - trong đó, có trải nghiệm làm nông dân. Từ hiệu ứng của việc làng cổ Đường Lâm được vinh danh "Sản phẩm Du lịch bền vững ASEAN năm 2024" (vào tháng 1/2024), nhiều đoàn khách quốc tế đặt tour tham quan, trải nghiệm tại Đường Lâm.

Hà Nội: Khai thác tiềm năng vùng ven đô qua mô hình du lịch nông nghiệp- Ảnh 4.

Ảnh: Khánh Huy

Mặc dù bước đầu đạt kết quả tích cực, song mô hình du lịch nông nghiệp của Hà Nội vẫn đối mặt không ít thách thức: thiếu quy hoạch tổng thể, hạ tầng chưa đồng bộ, năng lực tổ chức tour tuyến và dịch vụ còn hạn chế. Nhiều mô hình hoạt động nhỏ lẻ, thiếu liên kết với doanh nghiệp lữ hành nên chưa tạo được sức hút lớn với du khách.

Nhận thức rõ điều này, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm phát triển du lịch nông nghiệp một cách chuyên nghiệp, bài bản. Trong đó, chú trọng các yếu tố: xây dựng sản phẩm đặc trưng gắn với nông nghiệp hữu cơ và làng nghề truyền thống; đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng; tổ chức đào tạo kỹ năng cho người dân làm du lịch; và xúc tiến quảng bá các sản phẩm OCOP kết hợp trải nghiệm thực tế.

Ngoài ra, Hà Nội cũng đang hoàn thiện cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện để các hộ nông dân, hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn, ứng dụng công nghệ và mở rộng thị trường du lịch. Đặc biệt, việc xây dựng chuỗi liên kết giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ - trải nghiệm du lịch được xác định là yếu tố then chốt để đảm bảo hiệu quả và bền vững.

Phát triển du lịch nông nghiệp không chỉ là giải pháp phát triển kinh tế vùng ven đô, mà còn là cách Hà Nội khẳng định bản sắc văn hóa và hướng đến mục tiêu phát triển xanh, bao trùm và bền vững. Trong bối cảnh khách du lịch ngày càng quan tâm đến trải nghiệm thiên nhiên, đời sống bản địa và sản phẩm xanh - sạch, mô hình này sẽ là điểm nhấn quan trọng trong bản đồ du lịch Thủ đô.

Đến năm 2030, phát triển du lịch được kỳ vọng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, là đầu tàu du lịch của cả nước, với các sản phẩm hấp dẫn du khách quốc tế. Khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại cùng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao sẽ là những nhân tố đột phá thúc đẩy sự phát triển toàn diện của du lịch Hà Nội. Đây là mục tiêu được nhấn mạnh tại Đại hội Đảng bộ cơ quan Sở Du lịch Hà Nội lần thứ II, nhiệm kỳ 2025-2030 tổ chức ngày 24/6, với sự tham dự và chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền.

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, ngành du lịch Hà Nội đã chủ động chuyển hướng, tập trung phát triển các sản phẩm mới mang tính đặc trưng và phù hợp với xu thế tiêu dùng mới. Nổi bật là các sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn và các tour du lịch đêm - những loại hình đang thu hút sự quan tâm lớn từ cả du khách nội địa lẫn quốc tế.

Với định hướng rõ ràng, cách làm bài bản và sự đồng hành giữa chính quyền - người dân - doanh nghiệp, du lịch nông nghiệp đang dần trở thành một mắt xích quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Thủ đô. Không chỉ tạo động lực mới cho kinh tế nông thôn, mô hình này còn góp phần định vị Hà Nội là điểm đến xanh, thân thiện, giàu bản sắc trong hành trình hội nhập du lịch quốc tế.

Thương Huyền
Ý kiến của bạn