Hà Nội: Khẩn trương cắm biển ranh giới đê điều tại các xã, phường mới

Địa phương
02:45 PM 01/07/2025

Chi cục Thuỷ lợi và Phòng, chống thiên tai (Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội) đã phối hợp với chính quyền các địa phương gấp rút tổ chức cắm biển ranh giới giữa các xã, phường mới.

Theo Chi cục Thuỷ lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội, để phục vụ cho nhiệm vụ tổ chức lại chính quyền địa phương hai cấp, thời gian qua, đơn vị đã chỉ đạo các Hạt Quản lý đê xác định ranh giới, mốc giới các đơn vị hành chính mới tương ứng với lý trình các tuyến đê.

Hà Nội: Khẩn trương cắm biển ranh giới đê điều tại các xã, phường mới- Ảnh 1.

cơ quan quản lý đê Hà Nội điều chỉnh địa phận đê phù hợp đơn vị hành chính mới. Ảnh: Hà Nội Mới

Kết quả rà soát, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, hệ thống đê điều Hà Nội đi qua địa bàn 79/126 xã, phường ven đê. Trong đó, có một số xã, phường như: Hồng Hà, Lĩnh Nam, Minh Châu…, có địa giới hành chính nằm hoàn toàn ngoài bãi sông.

Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Nguyễn Duy Du cho biết, thời gian qua, đơn vị đã gấp rút, khẩn trương tổ chức cắm biển ranh giới giữa các xã, phường mới tương ứng với lý trình các tuyến đê. Đến nay, nhiệm vụ này đã cơ bản hoàn thành, góp phần phục vụ tốt công tác quản lý đê điều.

Bên cạnh đó, Chi cục Thuỷ lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội đang tích cực phối hợp với các xã, phường mới thống kê, rà soát các vị trí trọng điểm xung yếu đê điều để điều chỉnh, bổ sung phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu phòng, chống thiên tai; đồng thời chuẩn bị các điều kiện với phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng huy động, triển khai phương án hộ đê, đảm bảo tuyệt đối an toàn chống lũ cho các tuyến đê trên địa bàn TP Hà Nội trong mùa mưa lũ năm 2025.

Hà Nội hiện có 2 hệ thống sông là hệ thống sông Đáy và hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình, với 7 con sông chảy qua gồm: sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Công, sông Cầu, sông Cà Lồ, sông Đáy; bên cạnh đó là một số sông nội tỉnh: sông Tích, sông Bùi, sông Mỹ Hà, sông Thanh Hà...

Cùng với hệ thống sông là hệ thống các công trình đê điều lớn và quan trọng. Theo đó, toàn TP hiện có tổng số 770,666km đê các loại, trong đó có 626,513km đê được phân cấp (37,709km đê cấp Đặc biệt; 249,578km đê cấp I; 45,004km đê cấp II; 72,165km đê cấp III; 160,016km đê cấp IV; 62,041km đê cấp V).

Ngoài ra, Hà Nội còn 43 tuyến đê bao, đê bối và đê chuyên dùng với tổng chiều dài 144,152km chưa phân cấp công trình. Dọc các tuyến đê có 180 kè lát mái hộ bờ với tổng chiều dài là 219,3km; 205 cống qua đê; 240 cửa khẩu qua đê; 365 điếm canh đê; 12 Hạt Quản lý đê; 62 điểm kho, bãi vật tư dự trữ phòng, chống lụt, bão (do TP Hà Nội quản lý).

Trước khi tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, hệ thống đê điều của TP đi qua địa bàn của 26/30 quận, huyện, thị xã, với 209/579 xã, phường, thị trấn ven đê (trong đó có 12 đơn vị hành chính cấp xã nằm hoàn toàn ngoài bãi sông).

Khu vực bãi sông, lòng sông rất lớn (khoảng 36.266ha) và đa dạng, xen lẫn các khu vực dân cư (khoảng 156.456 hộ dân với 632.393 nhân khẩu) đặt ra bài toán cho công tác đảm bảo an toàn phòng, chống lũ, quản lý dân cư, đất đai, trật tự xây dựng…

Mùa mưa bão, lũ lụt đã đến, việc khẩn trương, gấp rút cắm biển ranh giới đê điều điều chỉnh phương án hộ đê là nhiệm vụ không thể chậm trễ. Không chỉ là yêu cầu kỹ thuật, đây còn là trách nhiệm chính trị, nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân vùng ven sông, ven đê. Chủ động, bài bản, sát thực tiễn - đó là cách Hà Nội phải đi để giữ vững tuyến đê như một "lá chắn" vững chãi giữa mùa mưa bão.

An Mai
Ý kiến của bạn