Hà Nội: Khẩn trương giải quyết các hồ sơ, thủ tục liên quan đến dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Tài chính - Đầu tư
01:37 PM 26/10/2022

UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện và các đơn vị liên quan khẩn trương xử lý, giải quyết các hồ sơ, thủ tục liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Theo UBND TP Hà Nội, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm giao thông theo Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022 của Chính phủ.

Theo kế hoạch, dự án phải khởi công vào quý II/2023, hoàn thành vào năm 2026. Dự án đầu tư phải thực hiện khối lượng lớn về công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, di chuyển các công trình hạ tầng và di chuyển mồ mả; công tác lập quy hoạch, chỉ giới, cắm mốc, khảo sát thiết kế, lập dự án đầu tư và triển khai thực hiện các gói thầu phải được tiến hành khẩn trương, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời của các cấp, các ngành, các đơn vị.

Hà Nội: Khẩn trương giải quyết các hồ sơ, thủ tục liên quan đến dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô  - Ảnh 1.

Vành đai 4 theo quy hoạch đi qua đường Nguyễn Văn Trác hướng về QL6.

Để kịp thời phối hợp, giải quyết những công việc liên quan đến việc triển khai thực hiện dự án, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu, các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện có liên quan chủ động rà soát, triển khai các nhiệm vụ được giao về công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư và triển khai các gói thầu thực hiện dự án theo thẩm quyền, quy định của pháp luật và các nội dung đã được UBND thành phố phân cấp, ủy quyền.

Các quận, huyện đôn đốc các đơn vị trực thuộc chủ động, khẩn trương triển khai thực hiện các công việc liên quan; phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; kịp thời báo cáo UBND Thành phố những nội dung vượt thẩm quyền.

Các sở, ban, ngành thành phố; UBND các quận, huyện chỉ đạo xử lý, giải quyết khẩn trương, kịp thời các hồ sơ, văn bản, công việc liên đến Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô (giải quyết các hồ sơ, văn bản gửi đến liên quan đến dự án trong thời gian 24 giờ đến 48 giờ; khi phát hành các văn bản gửi các cơ quan, đơn vị liên quan có đóng dấu hỏa tốc) để bảo đảm tiến độ thực hiện dự án đầu tư.

UBND Thành phố giao Chánh Văn phòng UBND Thành phố chỉ đạo, quán triệt các phòng, ban, đơn vị trực thuộc khẩn trương nghiên cứu, tham mưu và đề xuất phương án xây dựng một phân hệ riêng trên hệ thống Văn phòng điện tử đối với việc xử lý các hồ sơ, công việc liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô nhằm hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.

Thành lập một tổ công tác chuyên trách của Văn phòng theo dõi, tổng hợp, đôn đốc, tham mưu xử lý các văn bản, hồ sơ liên quan đến việc triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô do một đồng chí lãnh đạo Văn phòng UBND Thành phố làm tổ trưởng; tham mưu, xử lý ngay đối với các văn bản liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài 112,8km (gồm 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long). Trong đó, đoạn đi qua Thủ đô dài 58,2km; đoạn qua tỉnh Hưng Yên dài 19,3km; đoạn qua tỉnh Bắc Ninh dài 25,6km và tuyến nối dài 9,7km. Mặt cắt ngang tuyến đường rộng 90-135m, trong đó, đoạn không có đường sắt song hành rộng 90m, đoạn thông thường có đường sắt song hành rộng 120m, đoạn đi ngoài đê sông Đáy rộng 135m. Tổng mức đầu tư là 85.813 tỷ đồng.

Nam Dương
Ý kiến của bạn
NHNN: Tiếp tục điều hành hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt NHNN: Tiếp tục điều hành hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt

Tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2024, sáng 19/4, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong quý I/2024, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt. Phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.