Hà Nội khẳng định vai trò tiên phong trong triển khai hiệu quả Đề án 06

Địa phương
04:23 PM 20/07/2025

6 tháng đầu năm 2025, thành phố Hà Nội tiếp tục phát huy sự chủ động, tích cực, quyết liệt thực hiện các nội dung công tác phục vụ triển khai Đề án 06/CP trên địa bàn Thành phố; giữ vững vị thế là địa phương tiên phong đi đầu trong thực hiện Đề án 06/CP đảm bảo tiến độ, lộ trình đã được đề ra.

Thời gian qua lĩnh vực cải cách hành chính, chuyển đổi số gắn với Đề án 06 "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" là khâu đột phá được Thành ủy Hà Nội quan tâm chỉ đạo với các giải pháp đồng bộ, toàn diện, thực chất, đem lại giá trị cho người dân và doanh nghiệp.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành báo cáo số 292/BC-UBND về tình hình, kết quả triển khai thực hiện Đề án 06 “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn TP Hà Nội 6 tháng đầu năm 2025.

Báo cáo mới nhất của thành phố cho biết, kết quả thực hiện Đề án 06 trong 6 tháng đầu năm 2025 ghi nhận, người dân Thủ đô tiếp tục được thụ hưởng nhiều tiện ích từ ứng dụng VNeID, ứng dụng Công dân Thủ đô số iHanoi và các chính sách hỗ trợ mức phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến…

Hà Nội khẳng định vai trò tiên phong trong triển khai hiệu quả Đề án 06- Ảnh 1.

Hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng “Công dân Thủ đô số - iHanoi”. Ảnh: VGP

Điển hình là toàn bộ người dân Thủ đô tiếp tục được miễn, giảm phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Hà Nội là địa phương đầu tiên và duy nhất quy định mức thu bằng không, thời hạn thực hiện đến hết ngày 31/12/2025. Người dân tiếp tục được miễn phí làm thủ tục cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID (kéo dài đến hết ngày 31/12/2025 theo Nghị quyết của HĐND TP).

Hà Nội triển khai cung cấp 478 dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên ứng dụng iHaNoi và kết nối, khai thác dữ liệu của người dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư để tự động điền vào biểu mẫu điện tử tương tác của từng dịch vụ công trực tuyến, người dân không phải khai báo lại.

Hà Nội đã triển khai thí điểm tổ chức 476 điểm đại lý dịch vụ công trực tuyến từ ngày 5/2/2025 để hỗ trợ miễn phí, tư vấn giải quyết TTHC trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Trung tâm Phục vụ Hành chính công TP đã phối hợp với đơn vị tư vấn FPT xây dựng chức năng cho phép thực hiện dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của TP và triển khai chính thức từ ngày 2/1/2025.

Ứng dụng iHanoi được tích hợp thêm tính năng Chatbot AI trên ứng dụng iHanoi, hỗ trợ người dùng tra cứu, trả lời các câu hỏi có liên quan đến các TTHC, dịch vụ công trực tuyến… đem lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp và một số tính năng khác như “Doanh nghiệp kiến nghị”, “Địa điểm thực hiện dịch vụ công”, “Diễn đàn Khoa học và công nghệ mở”.

Lần đầu tiên trong lịch sử xây dựng Hiến pháp và pháp luật, TP đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 qua ứng dụng VNeID trên địa bàn TP theo chỉ đạo của Trung ương, Bộ Công an. Hà Nội là địa phương có số lượt công dân tham gia góp ý vào dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bổ sung trên ứng dụng VNeID cao nhất toàn quốc với kết quả 1.627.900 lượt.

Về khai thuế điện tử, 99,5% doanh nghiệp đang hoạt động khai thuế qua mạng; 99,1% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử; 99,5% tổ chức, doanh nghiệp và 100% hộ, cá nhân kinh doanh đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử…

Hà Nội khẳng định vai trò tiên phong trong triển khai hiệu quả Đề án 06- Ảnh 2.

Nhiều cơ sở khám, chữa bệnh đã ứng dụng công nghệ hiện đại trong khám, chữa bệnh. Ảnh: VGP

Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước đã hoàn thành triển khai thí điểm Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID; kết nối chính thức Hệ thống hồ sơ sức khỏe (HSSK) Thành phố vào mạng số liệu chuyên dùng CPNet và chính thức thực hiện kết nối Hệ thống HSSK Thành phố với Cơ sở dữ liệu Dân cư để xác minh, làm sạch dữ liệu người dân. Đến thời điểm hiện tại, đã xác minh được hơn 8,5 triệu người dân trên toàn TP. Điều này không chỉ hỗ trợ việc quản lý thông tin y tế mà còn tạo tiền đề để triển khai các chương trình sức khỏe cộng đồng như khám sức khỏe định kỳ, tiêm chủng, và sàng lọc bệnh lý.

Bên cạnh đó, các Chi nhánh của Trung tâm Phục vụ hành chính công TP trở nên thân thiện, văn minh và hiệu quả hơn - đúng như tinh thần xây dựng chính quyền số, chính quyền phục vụ nhân dân của Hà Nội. 

Việc phát triển, mở rộng mạng lưới các Chi nhánh của Trung tâm phục vụ hành chính công TP (12 Chi nhánh tại 12 khu vực nội thành, ngoại thành Hà Nội) và thành lập 476 đại lý dịch vụ công trực tuyến tại bưu cục trên toàn địa bàn TP là bước đi đúng đắn nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ hành chính công trên môi trường số. Ngoài ra, phát huy tốt vai trò của các thành viên, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo 57 TP, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 TP.

Theo đánh giá của các chuyên gia, bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình chuyển đổi số trên địa bàn Hà Nội vẫn đang đối mặt với một số khó khăn, thách thức cần sớm được khắc phục. Hạ tầng số tuy đã có bước phát triển, song vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế số. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số và phát triển kinh tế số còn thiếu về số lượng, đồng thời hạn chế về chất lượng và kỹ năng chuyên môn.

Dù còn nhiều rào cản, song thực tiễn triển khai Đề án 06 đã cho thấy hiệu quả rõ rệt và tiềm năng to lớn trong việc nâng cao năng lực quản lý nhà nước, hiện đại hóa nền hành chính và phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Từ những kết quả đạt được, Hà Nội đã xác định rõ định hướng và đề ra loạt nhiệm vụ trọng tâm nhằm tiếp tục tạo đột phá trong năm 2025.

Cụ thể, thành phố tập trung triển khai 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu: Nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến: Phấn đấu cung cấp 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên nhiều phương tiện truy cập, bao gồm cả thiết bị di động, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Mở rộng phạm vi và đối tượng sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID: Hướng đến mục tiêu 100% công dân Thủ đô từ 15 tuổi trở lên có tài khoản người dùng trên ứng dụng VNeID, phục vụ đa dạng các giao dịch hành chính và dân sự.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách và khung pháp lý: Tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, thống nhất và thuận lợi cho việc triển khai, vận hành các nền tảng số, dịch vụ số trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh thông tin: Bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo mật thông tin dân cư trong quá trình cung cấp và sử dụng các dịch vụ số, đặc biệt là những dịch vụ liên quan đến tài chính, y tế, giáo dục và hành chính công.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền: Nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, thống nhất hành động trong toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích thiết thực của chuyển đổi số, đặc biệt là trong thực hiện Đề án 06.

Huyền My
Ý kiến của bạn