Hà Nội khó có thể thu phí ô tô vào nội đô trong tương lai gần
Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, trong bối cảnh vận tải công cộng chưa đáp ứng được yêu cầu đi lại của người dân, Hà Nội chưa thể thu phí phương tiện vào nội đô.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa cùng với đơn vị tư vấn (Trường Đại học Giao thông vận tải) xây dựng xong đề án thu phí phương tiện vào nội đô với phương án lập 87 trạm thu phí.
Mục tiêu của đề án để giảm xe ô tô đi vào nội đô nhằm giải quyết ùn tắc, ô nhiễm môi trường. Dự kiến đề án này sẽ được trình UBND thành phố vào cuối tháng 10.
Chưa nên nghĩ đến việc thu phí phương tiện vào nội đô Hà Nội của người dân
Liên quan đến dự án này, trao đổi với PV, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội rằng, hiện nay, chưa thể cung cấp thêm thông tin gì về đề án này.
Còn ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, kinh nghiệm các nước trên thế giới khi lưu lượng phương tiện cá nhân quá đông, hạ tầng giao thông không đáp ứng được thì đều đưa ra giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân thông qua thu phí phương tiện vào nội đô. Vấn đề đặt ra là thời điểm nào thực hiện cho phù hợp.
Theo ông Thanh, Hà Nội xây dựng phương án thu phí phương tiện vào nội đô là cần thiết, nhưng trước khi thực hiện phải đảm bảo các điều kiện cần và đủ để không gây nên những bất cập, khó khăn cho việc đi lại của người dân.
Hiện tại giao thông công cộng ở Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 20%. Trong khi để hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô thì ít nhất giao thông công cộng phải đảm bảo đạt mức 40-50% nhu cầu đi lại của người dân. Do vậy, cùng với việc củng cố hệ thống mạng lưới xe buýt, Hà Nội cần sớm hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, trước khi tính tới thực hiện thu phí phương tiện vào nội đô.
Trao đổi với PV, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc NXB GTVT cho rằng, việc thực hiện quy hoạch một cách đồng nhất giao thông nội đô Hà Nội, tức, hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc và nâng cao phương tiện công cộng là hoàn toàn đúng.
Tuy nhiên, việc triển khai phải có lộ trình, mục đích và đích đến chứ không nên làm một cách lan man, không có cơ sở khoa học, thực tiễn.
"Cá nhân tôi cho rằng, việc đề xuất tổ chức các trạm thu phí xe ô tô vào nội thành Hà Nội, dù có là trạm không dừng cũng hơi vội vàng, nếu không muốn nói thiếu hợp lý, thiếu tính khả thi, chưa đúng với tình hình thực tế ở thủ đô. Chúng ta cần phải có sự đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ căn cứ khoa học, thực tế", TS Thủy nói.
Ông phân tích, thực tế, một số nước trên thế giới có thực hiện việc thu phí vào trung tâm thành phố trong các giờ cao điểm. Song, đa phần các nước này, hệ thống giao thông công cộng đều phát triển tốt, đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Trong khi đó, ở Hà Nội, hiện nay, có đến 80 - 90% người dân phải dùng các phương tiện cá nhân để di chuyển còn các phương tiện công cộng mới chỉ chiếm khoảng 10% và không đáp ứng được yêu cầu, chưa thực sự thuận tiện với người dân.
"Nếu chúng ta hạn chế phương tiện cá nhân thì người dân đi bằng gì? Giao thông công cộng của Thủ đô hiện đáp ứng đến đâu? Xe buýt có đúng giờ không? Đường sắt đô thị hiện nay ra sao rồi?
Một tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cả chục năm nay chưa có cho người dân đi rồi tuyến Nhổn - ga Hà Nội vẫn đang chậm tiến độ. Nhìn tất cả lại mới thấy, hiện nay, giao thông công cộng của Hà Nội còn quá nhiều vấn đề.
Do đó, tôi cho rằng, chưa nên nghĩ đến việc thu phí phương tiện vào nội đô của người dân", TS Thủy nêu và thông tin, từ đầu năm 2012, lãnh đạo Bộ GTVT lúc đó cũng từng đề xuất phương án thu phí ô tô vào trung tâm thành phố giờ cao điểm nhưng chưa thực hiện được.
Vị chuyên gia này đề nghị, trong thời điểm hiện tại và sắp tới, thay vì đề xuất lập trạm thu phí, Hà Nội nên tập trung phát triển, hoàn thiện mạng lưới giao thông công cộng, để đáp ứng được nhu cầu của người dân.
"Đến khi nào mà các tuyến đường sắt đô thị hoạt động, kết nối tốt việc đi lại, xe buýt chạy đúng giờ, thuận tiện cho người dân thì chúng ta hãy nghĩ tới việc hạn chế phương tiện cá nhân. Đồng thời, tôi cũng nghĩ rằng, khi phương tiện công cộng đáp ứng được tốt nhu cầu người dân thì tự động họ sẽ hạn chế bớt phương tiện cá nhân", TS Thủy nêu thêm.
Lập 87 trạm thu phí chưa phù hợp với phát triển thành phố thông minh
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho hay, ông ủng hộ tất cả các đề xuất giúp giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Với đề xuất lập trạm thu phí vào nội đô, ông Liên nói, đây không phải là đề xuất mới được đưa ra và trước đây, ông đã có ý kiến về việc này.
"Tôi đã từng nêu rõ, đề án lập trạm thu phí chưa thể làm được bởi hiện hạ tầng giao thông của thủ đô còn rất yếu, kém, ùn tắc giao thông thường xuyên, các phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu.
Bên cạnh đó, việc triển khai xây dựng các dự án như đường sắt còn kéo dài và muốn thực hiện đề án này phải đi kèm với các đề án thành phần khác. Do đó, việc thực hiện đề án này phải nghiên cứu, đánh giá thật kỹ và có thời gian chuẩn bị cho chu đáo", ông Liên nêu.
Ông Liên cũng dẫn chứng tại nhiều nước phát triển như Singapore cũng đã triển khai thu phí và đạt được hiệu quả. Khi xe được gắn thẻ thu phí lưu thông qua trạm thì sẽ tự động trừ tiền trong tài khoản ngân hàng. Thậm chí, lái xe có thể lựa chọn đi trên làn đường 80 hay 100km/h, có giá tiền khác nhau.
"Tuy nhiên, Singapore áp dụng công nghệ 4.0, giao thông thông minh để điều hành hệ thống giao thông đô thị cũng như thu phí nên rất thuận tiện, đi lại không bị ùn tắc.
Trong khi đó, mình lại đề xuất lập 87 trạm thu phí thì tôi thấy không ổn và chưa thực sự phù hợp với phát triển thành phố thông minh.
Chưa kể, chủ trương này động chạm trực tiếp đến quyền lợi của người dân, do đó, phải có sự đánh giá bằng thăm dò dư luận xã hội kết hợp tuyên truyền để người dân thông suốt, ủng hộ.
Song muốn người dân ủng hộ thì phải có điều kiện về phương tiện giao thông công cộng cần đáp ứng được nhu cầu của họ", ông Liên nói thêm.
Ngoài ra, theo ông Liên, khi thực hiện thu phí phương tiện vào nội đô, Hà Nội phải dành quỹ đất làm các bãi đỗ xe đi kèm mạng lưới giao thông công cộng để phục vụ người dân ngoại tỉnh khi vào nội đô có thể gửi xe, đi lại thuận tiện bằng giao thông công cộng.
Trao đổi về vấn đề này, một chuyên gia giao thông từng cộng tác cho JICA ở Hà Nội nhìn nhận, đề án này chưa thực sự khả thi và cần phải có đánh giá tổng thể, kỹ càng. Theo vị này, các phương án kỹ thuật áp dụng thu phí cần được thực hiện khoa học, tránh tình trạng ùn tắc cục bộ tại trạm dẫn đến mục tiêu ban đầu chưa giải quyết được lại tạo ra bất cập mới.
Đồng thời, khi triển khai thu phí cần tránh chồng chéo giữa các loại phương tiện bị áp phí, loại phương tiện được miễn, giảm. Bên cạnh đó, Hà Nội cần có giải trình cụ thể về việc sử dụng nguồn phí thu được sẽ bổ sung vào ngân sách hay xây dựng hạ tầng giao thông. Điều này Hà Nội phải làm rõ để người dân có lòng tin.
HM (T/h)Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.