Hà Nội: Khu đô thị hơn 2.400 tỷ tại Đông Anh tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư
Dự án Khu đô thị G19 tại huyện Đông Anh đang được Sở KH&ĐT TP. Hà Nội tiếp tục gia hạn thời gian đăng ký tìm chủ đầu tư đến 3/10, vì chỉ có một đơn vị đáp ứng sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm.
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội gia hạn đăng ký thực hiện Khu đô thị mới G19 ở xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh đến 17h ngày 3/10.
Lý do là hết thời hạn cũ, chỉ 1 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm là CTCP Đầu tư và Thương mại Trung Yên (thành lập năm 2010, trụ sở chính tại phường Định Công (Q. Hoàng Mai, Hà Nội), hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng nhà ở). Công ty được biết đến với những dự bất động sản tại Hà Nội như: Chung cư Smile Trung Yên Building; Khu nhà ở An Sinh - 106 Hoàng Quốc Việt; Khu nhà ở Văn phòng Bộ Công An; Khu đô thị Bắc Đại Kim mở rộng...
Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư cho dự án là vốn chủ sở hữu tối thiểu 364 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhà đầu tư từng tham gia hoặc là thành viên tham gia liên danh hoặc là nhà thầu chính của tối thiểu 1 dự án trong lĩnh vực đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án nhà ở, trụ sở, văn phòng... có tổng mức đầu tư tối thiểu 1.456 tỷ đồng (nếu xây cách đây 7 năm) và trên 1.091 tỷ đồng (nếu xây cách đây 5 năm).
Việc đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của doanh nghiệp nhằm xác định số nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án, làm căn cứ để đấu thầu rộng rãi. Do đó, việc nhà đầu tư đáp ứng điều kiện năng lực, kinh nghiệm không được coi là họ trúng đấu thầu dự án. Theo Nghị định 31 hướng dẫn một số điều Luật Đầu tư 2020, Sở Kế hoạch & Đầu tư có thể gia hạn nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án nếu cần tăng thêm nhà đầu tư hoặc sửa đổi yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm.
Theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, Khu đô thị mới G19 có tổng diện tích hơn 26 ha, quy mô dân số khoảng 4.440 người. Dự án này dự kiến cung cấp 174 căn liền kề, 56 căn biệt thự, 3 tòa nhà ở xã hội 10-30 tầng. Một số hạng mục khác gồm trung tâm thương mại 5 tầng, trường mầm non, nhà văn hóa, cây xanh vườn hoa.
Tổng vốn đầu tư dự án gần 2.200 tỷ đồng, chưa gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư gần 244 tỷ đồng. Dự án hoạt động 50 năm với tiến độ thực hiện đến 2029.
Cuối tháng 8, Hà Nội cũng gia hạn tìm nhà đầu tư khu đô thị hơn 33.000 tỷ đồng tại các xã Tàm Xá, Vĩnh Ngọc và Xuân Canh, huyện Đông Anh do chỉ có liên danh Vingroup - Thái Sơn - Long Hải đăng ký thực hiện. Dự án trên có quy mô 268 ha, dân số khoảng 38.500 người sau khi hoàn thành. Tuy nhiên, hết hạn 12/9 chưa có thêm nhà đầu tư nào đăng ký thực hiện dự án này.
Theo lộ trình thành phố đặt ra, Đông Anh sẽ là một trong hai huyện tại Thủ đô sẽ lên quận vào năm 2025. Thời gian qua, Đông Anh liên tục được rót vốn “khủng” để đầu tư các dự án lớn như: Thành phố thông minh (vốn đầu tư 4,2 tỷ USD), Vinhomes Cổ Loa (hơn 1,6 tỷ USD).
Để bổ trợ cho tiến trình lên quận, Đông Anh đã triển khai nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn như: Đầu tư xây dựng tuyến đường cấp khu vực (NC-1); xây dựng tuyến đường từ Hoàng Sa đến đường sắt Hà Nội - Lào Cai (dài 3,7 km; 1.239 tỷ đồng); Tuyến đường LK50, đoạn từ quốc lộ 3 cũ đến đường Thư Lâm (dài 5,9 km; quy mô 1.303 tỷ đồng); Tuyến đường LK54 kết khu tái định cư cầu Nhật Tân đến đường LK53 (dài 3,8 km; tổng 1.204 tỷ đồng); Đường LK51 đoạn từ Quốc lộ 3 mới đến đường Uy Nỗ (dài 5,7 km; 1.168 tỷ đồng)…
Ngô HuySáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.