Hà Nội khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức 3 hội nghị triển khai thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Kết quả, sau hội nghị, đã có hơn 20 doanh nghiệp, HTX trên địa bàn thành phố liên hệ với Chi cục Phát triển nông thôn để được hỗ trợ tư vấn về xây dựng dự án liên kết và lập hồ sơ đăng ký hỗ trợ dự án. Hơn 17 đơn vị đã lập dự án và tiến hành thuê tư vấn, 21 đơn vị xác lập kế hoạch liên kết… Đến ngày 30/9/2020, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính là Chi cục Phát triển nông thôn đã tiếp nhận hồ sơ của Công ty Giống gia súc Hà Nội đề nghị phê duyệt hỗ trợ Dự án Liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức chăn nuôi, thu mua gắn với tiêu thụ bò thịt lai BBB trên địa bàn thành phố.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, dự kiến 3 tháng cuối năm, Hội đồng thẩm định thành phố sẽ thẩm định, xét duyệt và trình UBND thành phố phê duyệt, hỗ trợ 3-5 dự án liên kết. Tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX trang trại lập kế hoạch liên kết, dự kiến sẽ thẩm định, xét duyệt 10 kế hoạch liên kết.
Kết quả, 100% UBND các huyện đã tiến hành niêm yết quy trình giải quyết thủ tục hành chính về hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm tại bộ phận tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính của huyện theo phân cấp (Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ; Các Quyết định của UBND thành phố Hà Nội: số 13/2019/QĐ-UBND ngày 14/06/2019; số 4268/QĐ-UBND ngày 09/8/2019; số 5173/QĐ-UBND ngày 16/9/2020).
Có 3 huyện (Phú Xuyên, Thanh Trì, Chương Mỹ) đã tham mưu UBND huyện ban hành về "Quy chế tổ chức, hoạt động của Hội đồng thẩm định dự án liên kết, kế hoạch đề nghị hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn cấp huyện. Cụ thể huyện Thanh Trì đã cải tiến quy trình giải quyết thủ tục trên theo Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN 9001:2015 (theo báo cáo các huyện).
Đến nay, 100% bộ phận một cửa tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố chưa tiếp nhận bộ thủ tục hành chính nào về hỗ trợ dự án, kế hoạch liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Một số huyện đã chỉ đạo xây dựng các mô hình liên kết, đề án theo liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (giai đoạn 2015-2020).
Huyện Thanh Trì đã triển khai được 2 chuỗi liên kết, được UBND thành phố chứng nhận, gồm: Mô hình nhóm hộ liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ rau an toàn với hơn 150 hộ sản xuất ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm rau an toàn theo chuỗi với HTX An Phát tổng diện tích hơn 30ha tại 2 xã Yên Mỹ, Duyên Hà, giá thu mua sản phẩm ổn định và cao hơn giá thị trường khoảng 10-15% góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất; Mô hình chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ thịt lợn theo tiêu chuẩn VietGAP giữa trang trại Tiến Thành tại xã Đại Áng và Công ty Cổ phần thực phẩm Song Đạt với sản lượng trung bình 12 tấn thịt /tháng, cung cấp cho thị trường nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng với giá thành cao hơn giá thị trường khoảng 10%; công ty đã ứng dụng công nghệ thông tin nhằm truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng hệ thống mã QR, đồng thời các sản phẩm được kiểm nghiệm đều đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Huyện Thường Tín đã xây dựng được 16 mô hình ứng dụng nông nghiệp, công nghệ cao, 12 chuỗi liên kết trong đó 6 chuỗi liên kết trồng trọt, 2 chuỗi liên kết chăn nuôi và 4 chuỗi liên kết giết mổ. Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện nay có quy mô không lớn tuy nhiên đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm diện tích đất hoang hoá, tạo sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.
Huyện Chương Mỹ đã xây dựng đề án" Phát triển chuỗi giá trị nông sản an toàn, bền vững huyện Chương Mỹ giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025", với mục tiêu phát triển các nhóm sản xuất chủ lực gồm: Rau an toàn, bưởi, gạo chất lượng cao. Đã phê duyệt hỗ trợ và chỉ đạo thực hiện dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau, quả trên địa bàn huyện.
Đánh giá chung
Về thuận lợi: Các chính sách nói trên đều chi tiết, thiết thực, và phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ hội nhập, tái cơ cấu ngành nông nghiệp xây dựng nông thôn mới. Các doanh nghiệp, hợp tác xã đều phấn khởi, nhiệt tình hưởng ứng các Chương trình, Dự án liên kết.
Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ là chất xúc tác, là cầu nối giúp các doanh nghiệp, HTX, người nông dân có điều kiện mở rộng diện tích sản xuất, gắn kết các tác nhân tham gia dự án bằng cơ sở pháp lý thông qua Hợp đồng liên kết nhằm giảm thiểu rủi ro, giúp việc tiêu thụ nông sản của nông dân được thuận lợi hơn, bền vững hơn.
Khó khăn: Do dịch bệnh Covid-19 nên quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ liên kết các chính sách trên còn chậm. Nghị định 98/NĐ-CP của Chính phủ là chính sách mới; các cấp tổ chức triển khai thực hiện còn lúng túng; nhiều quận, huyện, thị xã chưa ban hành "Quy chế tổ chức, hoạt động của Hội đồng thẩm định dự án liên kết, kế hoạch đề nghị hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn cấp huyện"; chưa ban hành Kế hoạch triển khai 98/NĐ-CP về hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Các đơn vị (doanh nghiệp, HTX, trang trại, hộ sản xuất) có liên kết chuỗi sản xuất nông nghiệp chưa chủ động nghiên cứu, tiếp cận chính sách Hỗ trợ theo Nghị định 98/NĐ-CP.
Vướng mắc chủ yếu là về điều kiện để được hỗ trợ: Nội dung hỗ trợ về hạ tầng đối với nhiều chủ thể liên kết bị vướng mắc do phương án sử dụng đất chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Phù hợp Quy hoạch vùng sản xuất: Do tốc độ đô thị hoá nhanh nên quỹ đất sử dụng cho sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp và quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp bị điều chỉnh; nhiều vùng sản xuất nông nghiệp đang hoạt động hiệu quả không được phê duyệt Quy hoạch sản xuất.
Cẩm TúCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.