Hà Nội kiến nghị thu hồi, khôi phục điều tra khu "đất vàng" bỏ hoang 11 năm
Trong báo cáo mới đây, UBND TP Hà Nội đã kiến nghị thu hồi và phục hồi điều tra sai phạm tại 3 khu "đất vàng" thuộc Khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy).
Thực hiện không đúng chỉ đạo của thành phố
UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát lại các dự án theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. Trong đó có dự án Tổ hợp bãi đỗ xe, phòng khám y tế, dịch vụ công cộng, trung tâm thương mại và xây dựng công trình hỗn hợp siêu thị, chợ, văn phòng cho thuê tại ô đất B9/CC1, B9/CC3 và C3/HH, C3/CC1-1 Khu đô thị (KĐT) Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, tháng 7/2007, thành phố chấp thuận về nguyên tắc đề nghị của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico) về việc giao Handico làm chủ đầu tư xây dựng 2 bãi đỗ xe ngầm tĩnh và các công trình trên 2 ô đất B9 và C3 KĐT Nam Trung Yên bằng nguồn vốn huy động để khai thác sử dụng (không có nội dung chỉ đạo cho liên danh sử dụng đất).
3 khu “đất vàng” ở Khu đô thị Nam Trung Yên bị bỏ hoang nhiều năm qua
Tháng 8/2007, Handico ký Hợp đồng liên danh hợp tác đầu tư với Công ty CP Đầu tư Thuỳ Dương (TD Group) để đề xuất UBND TP phê duyệt làm chủ đầu tư cùng thực hiện dự án.
Tháng 5/2008, UBND TP có văn bản chấp thuận chủ trương cho Liên danh Handico và Công ty Thuỳ Dương nghiên cứu lập và triển khai dự án.
Tháng 1/2011, UBND TP có quyết định thu hồi hơn 18.000m2 đất tại ô đất C3/CC2 và ô đất B9/CC1, B9/CC3 KĐT Nam Trung Yên của Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội cho TD Group và Handico thuê đất để thực hiện dự án.
Tháng 5/2011, UBND TP có văn bản cho phép Handico và TD Group thành lập công ty cổ phẩn để thực hiện dự án.
Sau đó Handico và TD Group thành lập 2 công ty cổ phần là: Công ty CP Đầu tư Handico – Thuỳ Dương; Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Handico – Thuỳ Dương để thực hiện dự án.
Đến tháng 6/2012, UBND có văn bản cho phép Handico không tham gia góp vốn trong các công ty cổ phần.
Tháng 7/2012, UBND TP cho phép Handico chuyển quyền tham gia góp vốn trong công ty cổ phần để thực hiện dự án cho TD Group theo quy định (không phải là cho rút khỏi liên danh).
Năm 2013, các công ty cổ phần trên nộp hồ sơ vào Sở Tài nguyên – Môi trường đề nghị điều chỉnh quyết định cho thuê đất, chuyển chủ sử dụng đất từ công ty Thuỳ Dương và Handico sang cho Công ty CP Đầu tư Handico – Thuỳ Dương (đối với lô đất B9/CC1, B9/CC3) và Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Handico – Thuỳ Dương (đối với lô đất C3/CC2).
Quá trình thành lập 2 công ty cổ phần theo Kết luận thanh tra số 337 (ngày 7/3/2014) của Sở Tài nguyên – Môi trường Hà Nội xác định: Khi thành lập 2 công ty cổ phần trên đều có thêm pháp nhân là Công ty CP Xây dựng và Thương mại Thuỳ Dương là không đúng với chỉ đạo của TP tại văn bản 3726 (ngày 17/5/2011). Đồng thời đề nghị khẩn trương hoàn thiện các thủ tục về quản lý đầu tư xây dựng, tiến hành xây dựng công trình trong quý II/2014, đưa đất vào sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả (tức là đơn vị sử dụng đất vẫn là Liên danh chứ không phải các Công ty CP).
Hà Nội kiến nghị thu hồi khu "đất vàng" "đắp chiếu" cả thập kỷ và phục hồi điều tra
để xác định vi phạm, xử lý các đối tượng theo đúng quy định của pháp luật.
Thu tiền thuê đất của công ty không phải chủ đầu tư
Sau khi UBND TP có quyết định điều chỉnh quy hoạch dự án (tháng 9/2014) có bổ sung hạng mục công trình hỗn hợp siêu thị, dịch vụ thương mại và căn hộ để ở, Handico có văn bản gửi Sở Kế hoạch Đầu tư đề nghị xin rút khỏi liên danh.
Đáng chú ý, trong cùng một ngày (ngày 7/8/2015), UBND TP Hà Nội có văn bản cho phép Handico rút khỏi liên danh đồng thời tách dự án thành 3 dự án và ban hành 3 quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho TD Group, gồm: Một là, Quyết định chủ trương đầu tư dự án Tòa nhà hỗn hợp siêu thị, dịch vụ thương mại và căn hộ để ở tại ô đất C3/HH KĐT Nam Trung Yên. Trong đó, 50% quỹ sàn căn hộ để phục vụ bán cho các hộ gia đình thuộc đối tượng tái định cư do TP chỉ đạo, 50% chủ đầu tư được phép kinh doanh, diện tích sử dụng là 5.661m2.
Hai là, Quyết định chủ trương đầu tư dự án Tổ hợp thương mại, dịch vụ công cộng hàng ngày, phòng khám đa khoa, bãi đỗ xe tại ô đất B9/CC1 và B9/CC3 KĐT Nam Trung Yên, diện tích sử dụng đất là 9.145m2.
Ba là, Quyết định chủ trương đầu tư dự án Công trình xã hội hóa khu chợ thương mại thấp tầng tại ô đất C3/CC1-1 KĐT Nam Trung Yên, diện tích sử dụng 2.000m2.
Tuy nhiên, trong quá trình liên danh thực hiện dự án, đối tượng Nguyễn Văn Luân – Tổng Giám đốc TD Group và một số đối tượng liên quan đã có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến dự án, đã bị cơ quan cảnh sát điều tra khởi tô vụ án, khởi tố bị can.
Vì vậy, tháng 12/2017, UBND TP đã có thông báo chỉ đạo: Trước mắt, tạm dừng triển khai dự án tại ô đất B9 và C3 thuộc KĐT Nam Trung Yên chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ, các cơ quan liên quan và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, chủ đầu tư và các Sở, ngành đã thu tiền thuê đất đến hết năm 2018, thu suất đầu tư hạ tầng kỹ thuật và nhận tiền ký quỹ 3 dự án đối với TD Group, trong khi Công ty này không phải là đối tượng được UBND TP giao đất, cho thuê đất, không phải là chủ đầu tư dự án.
Đến nay, UBND TP chưa quyết định thu hồi đất của Liên danh để giao cho TD Group thực hiện riêng rẽ 3 dự án nêu trên, 3 dự án đều chậm tiến độ và hiện vẫn đang quây tôn, để trống.
Kiến nghị thu hồi, phục hồi điều tra
Theo UBDN TP Hà Nội, từ chủ trương TP cho phép huy động vốn đề thực hiện dự án theo chính sách xã hội hoá đầu tư xây dựng công trình công cộng trên diện tích đất công của thành phố, Handi (doanh nghiệp nhà nước được thành phố giao tham gia quản lý sử dụng đất và thụ hưởng hạ tầng (quyền tài sản) với 100% quyền tham gia góp vốn ban đầu) đã liên danh với TD Group để thực hiện dự án.
Nhưng sau khi Handico đề xuất điều chỉnh quy hoạch sang xây dựng công trình hỗn hợp (nhà ở, văn phòng, dịch vụ, công cộng) và được UBND TP chấp thuận, phê duyệt, Handico lại rút khỏi liên danh và bàn giao toàn bộ dự án và quyền sử dụng đất cho TD Group để thực hiện dự án, dẫn đến sau này TD Group đã vi phạm pháp luật khi thực hiện dự án.
Cũng nêu tại báo cáo gửi Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, UBND TP Hà Nội cho biết, đến nay, dự án đã chậm triển khai 11 năm gây lãng phí tài nguyên đất đai. Sai phạm của dự án này đã có ý kiến đánh giá của Uỷ ban kiểm tra Thành uỷ, Công an TP. Theo quy định, không có cơ sở pháp lý để cho phép nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án.
Từ thực tế trên, UBND TP. Hà Nội đã kiến nghị Nhà nước cần phải thu hồi toàn bộ các khu đất này để đưa vào quản lý, sử dụng theo đúng quy định của Luật Đất đai 2013 và Luật Quản lý sử dụng tài sản công.
Ngoài ra, UBND TP. Hà Nội cũng cho rằng, Công an TP. Hà Nội cần phục hồi điều tra để xác định vi phạm, xử lý các đối tượng theo đúng quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó, các Sở, ngành liên quan có trách nhiệm và xử lý khắc phục vi phạm, giải quyết nội dung các công việc của ngành mình theo đúng quy định của pháp luật.
Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.