Hà Nội là thành phố đắt đỏ nhất cả nước, Quảng Ninh bất ngờ vượt cả TPHCM lẫn Hải Phòng leo lên ngôi á quân
Quảng Ninh bất ngờ vượt TPHCM và Hải Phòng để giữ ngôi vị thành phố đắt đỏ thứ 2 Việt Nam. Năm 2021, Quảng Ninh đứng vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng này...
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, Hà Nội tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với mức giá đắt đỏ nhất cả nước.
Cụ thể, Báo cáo Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2021 mới được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, thủ đô Hà Nội có chỉ số SCOLI cao nhất.
Quảng Ninh đứng thứ 2 cả nước với chỉ số SCOLI bằng 99,5% so với Hà Nội. Đứng thứ 3 là TP Hồ Chí Minh (98,98%); Đà Nẵng đứng thứ 4 (96,4%), Hải Phòng đứng thứ 5 (95,58%)…
Đây là số liệu bất ngờ khi năm ngoái, Quảng Ninh đứng ở hạng thứ 6 trong danh sách này.
Ở chiều ngược lại, Trà Vinh là địa phương có chỉ số giá sinh hoạt theo không gian thấp nhất cả nước, bằng 87,61% so với Hà Nội. Giá bình quân các nhóm hàng của Trà Vinh so với Hà Nội trong khoảng từ 76,58%-99,63%. Địa phương có giá thấp thứ hai cả nước là Hậu Giang với chỉ số SCOLI năm 2021 bằng 87,68%. Giá bình quân các nhóm hàng của Hậu Giang ở mức 65,38%-99,24% so với Hà Nội.
Tính theo vùng, vùng Đồng bằng sông Hồng giữ vị trí đắt đỏ nhất cả nước. Đắt đỏ thứ hai là vùng Trung du và miền núi phía Bắc với chỉ số SCOLI năm 2021 bằng 99,61% so với vùng Đồng bằng sông Hồng. Tiếp theo Đông Nam Bộ (99,04%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (98,74%); Tây Nguyên (97,57%).
Chỉ số SCOLI tính theo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với mốc Thành phố Hà Nội = 100.
SCOLI là chỉ tiêu thống kê quốc gia, phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá sinh hoạt giữa các vùng, địa phương trong một thời gian nhất định (thường là một năm). Chỉ số SCOLI phục vụ hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đánh giá kết quả thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, trợ cấp khó khăn, trợ cấp tiền lương. Đồng thời chỉ số này còn là cơ sở để tính Chỉ số phát triển con người (HDI) và Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo sức mua tương đương.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.