Hà Nội: Lao động giúp việc gia đình được trả lương 5 - 7 triệu đồng/tháng
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, toàn thành phố có khoảng 13.700 lao động giúp việc gia đình, mức lương dao động từ 5-7 triệu đồng/tháng và đa phần được thưởng tháng lương thứ 13.
Đây là một trong những nội dung mà Sở LĐTB&XH Hà Nội báo cáo Bộ LĐTB&XH tình hình thực hiện quy định pháp luật về lao động giúp việc gia đình.
Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết, hiện nay, đời sống của nhân dân thành phố Hà Nội được cải thiện rõ rệt nhất là ở các quận, thị xã, từ đó lao động giúp việc gia đình trở nên quan trọng, số lượng các gia đình có mức thu nhập ổn định tăng nhanh, nhu cầu tiếp cận và và sử dụng các loại dịch vụ xã hội ngày càng trở nên phổ biến, nhiều gia đình có nhu cầu tìm người giúp việc gia đình.
Tính đến tháng 3/2024, Hà Nội có trên 13,71 nghìn hộ gia đình sử dụng trên 13,78 nghìn lao động giúp việc gia đình. Tỷ lệ giúp việc gia đình có tăng trong những năm gần đây, chủ yếu làm các nghề như: quản gia, nội trợ, chăm sóc người già, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người bệnh, lái xe, làm vườn,...
Lao động giúp việc chủ yếu là lao động nữ (chiếm khoảng 94%) và chủ yếu là ở cùng gia đình người sử dụng lao động (chiếm khoảng 80%), số lao động giúp việc trên 18 tuổi chiếm trên 95% tổng số lao động giúp việc gia đình.
Về chế độ tiền lương đối với lao động giúp việc gia đình làm việc trong điều kiện lao động bình thường được người sử dụng lao động trả mức cao hơn mức lương tối thiểu vùng nơi người lao động làm việc (người lao động được trả dao động từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng). Đa phần người lao động được người sử dụng lao động thưởng tháng lương thứ 13 vào dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, người lao động được bố trí chỗ ăn ở, trả tiền tàu xe đi đường khi thôi việc về nơi cư trú, theo như thỏa thuận trước đó của người sử dụng lao động.
Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cũng cho biết, theo quy định, người sử dụng lao động phải trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, đa phần người lao động giúp việc gia đình hiện nay không tham gia bảo hiểm xã hội, tỷ lệ tham gia BHYT còn thấp.
Trên địa bàn TP Hà Nội trong những năm qua không ghi nhận trường hợp vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật như: ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động, giao việc ngoài hợp đồng, giữ giấy tờ tùy thân của người lao động,...
Về tình hình lao động việc làm chung trên địa bàn Hà Nội, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2024, toàn TP. Hà Nội giải quyết việc làm cho 73.298 người lao động, đạt 44,4% so với kế hoạch.
Trong đó, giải quyết việc làm cho 13.892 người lao động từ nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền là 1.717 tỷ đồng. Số người lao động nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội là 5.483 người. Số người lao động được cung ứng giới thiệu việc làm của các DN và qua các hình thức khác là 53.923 người.
Cũng trong 4 tháng đầu năm 2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức được 79 phiên giao dịch việc làm với 2.396 đơn vị, DN tham gia, với tổng số nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh là 47.120 người. Kết quả đã có 17.443 người lao động được phỏng vấn, 5.483 người được tuyển dụng tại phiên giao dịch việc làm.
Huyền My (t/h)Thông tin tại hội nghị 21 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 21/1, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt mức 511.928 tỷ đồng, trở thành địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.