Hà Nội lập Quỹ đầu tư mạo hiểm phục khoa học công nghệ

Tài chính - Đầu tư
10:45 AM 08/07/2025

Trước những yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn phát triển khoa học công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp, Hà Nội đang xúc tiến thành lập Quỹ Đầu tư mạo hiểm với vốn đầu tư ban đầu từ ngân sách thành phố.

Theo dự thảo Đề án thành lập, Quỹ Đầu tư mạo hiểm của Hà Nội sẽ được hình thành với vốn điều lệ ban đầu dự kiến từ 2.000 - 2.500 tỷ đồng. Trong đó ngân sách thành phố chiếm không quá 49%, hoạt động theo mô hình "vốn mồi" để thu hút thêm nguồn lực từ các nhà đầu tư tư nhân, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước.

Hà Nội lập Quỹ đầu tư mạo hiểm phục khoa học công nghệ- Ảnh 1.

Ảnh mih họa.

Mục tiêu cốt lõi của quỹ là tạo ra các tác động xã hội tích cực như cung cấp nguồn vốn chiến lược và hỗ trợ phi tài chính với các hoạt động đào tạo, cố vấn, kết nối quốc tế, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển sản phẩm khoa học công nghệ, tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững cho Thủ đô.

Theo dự thảo Đề án, mô hình quỹ được xây dựng theo hướng "fund of funds", tức là quỹ của thành phố sẽ đầu tư vào các quỹ chuyên ngành khác nhau (ví dụ quỹ công nghệ, quỹ y tế, quỹ giáo dục…) thay vì đầu tư trực tiếp vào từng doanh nghiệp. Điều này giúp giảm rủi ro, tăng tính chuyên môn hóa và huy động hiệu quả nguồn lực xã hội.

Điểm khác biệt đáng chú ý của Quỹ Đầu tư mạo hiểm Hà Nội so với các quỹ hiện hành chính là vai trò dẫn dắt của Nhà nước trong khâu định hướng chiến lược, chứ không can thiệp vào hoạt động đầu tư cụ thể. Thành phố sẽ xác định các lĩnh vực ưu tiên, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và đơn vị quản lý quỹ chuyên nghiệp, bảo đảm minh bạch, công khai và linh hoạt theo cơ chế thị trường.

Hiện nay, một số quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước như: IDG Ventures Vietnam, ThinkZone hay VinVentures (thuộc Tập đoàn Vingroup) đã góp phần hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam; tuy nhiên, đây phần lớn đều là quỹ tư nhân, với mục tiêu lợi nhuận là chính. Mô hình này khó có thể bao phủ những lĩnh vực trọng yếu mà thành phố muốn ưu tiên như: Trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, công nghệ y sinh, giao thông thông minh, môi trường, giáo dục hay đô thị thông minh.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn thẳng thắn chỉ ra: “Chúng ta đang thiếu công cụ để lấp đầy khoảng trống đầu tư cho các lĩnh vực rủi ro cao, nơi mà các quỹ tư nhân chưa sẵn sàng tham gia. Việc thành lập Quỹ Đầu tư mạo hiểm thành phố là bước đi cần thiết, nhằm dẫn dắt, kích hoạt dòng vốn xã hội và khơi thông các nguồn lực đổi mới sáng tạo”.

Nhiều chuyên gia và nhà đầu tư đánh giá cao sáng kiến này, đồng thời đề xuất các chính sách ưu đãi đi kèm như miễn thuế chuyển nhượng vốn, thuế thu nhập cá nhân cho nhà đầu tư tái đầu tư, cơ chế tái cấp vốn, thanh khoản thứ cấp… Những chính sách này từng được áp dụng thành công ở Israel, Singapore và Hàn Quốc, các quốc gia nổi bật trong hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo bằng quỹ công.

Ông Bùi Thành Đô - Giám đốc điều hành Quỹ ThinkZone Ventures khẳng định: “Với quy mô quỹ của thành phố, hoàn toàn có thể tạo sức bật nếu đi kèm cơ chế khuyến khích tái đầu tư và ưu đãi thuế. Điều đó sẽ giúp thu hút các nhà đầu tư tư nhân, nhất là trong bối cảnh các quỹ đang cân nhắc chuyển vốn sang địa phương có chính sách hấp dẫn hơn”.

Việc thành lập Quỹ Đầu tư mạo hiểm không chỉ mang ý nghĩa tài chính, mà còn thể hiện tư duy đổi mới trong điều hành chính sách, chuyển từ “cho - cấp” sang “dẫn dắt - hợp tác công tư”. Đây sẽ là công cụ chính sách quan trọng trong việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số mà Hà Nội đang theo đuổi. Nếu được vận hành hiệu quả, quỹ sẽ là mô hình mẫu, góp phần khơi dậy tiềm năng khởi nghiệp sáng tạo, thu hút nguồn lực tài chính xã hội vào các lĩnh vực khoa học công nghệ, tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế tri thức và thành phố thông minh trong tương lai gần.

Minh An
Ý kiến của bạn
Khai mạc Kỳ họp thứ 25 HĐND TP Hà Nội, xem xét nhiều nghị quyết cụ thể hoá Luật Thủ đô Khai mạc Kỳ họp thứ 25 HĐND TP Hà Nội, xem xét nhiều nghị quyết cụ thể hoá Luật Thủ đô

Sáng 8/7, kỳ họp thường lệ giữa năm (Kỳ họp thứ 25), HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 chính thức khai mạc để xem xét nhiều nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền, trong đó có nhiều nghị quyết để triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024.