Hà Nội: Lên phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa, ổn định giá cả dịp Tết Nguyên đán

Địa phương
10:52 AM 08/12/2023

Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân dịp Tết 2024, ngành Công thương Hà Nội đã có nhiều giải pháp, chủ động các phương án đáp ứng nhu cầu hàng hóa tăng cao của người dân.

Thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán hàng năm là dịp cao điểm mua sắm nên sức mua của người dân sẽ tăng cao hơn so với các tháng trong năm. Theo đó, bên cạnh các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản, trứng, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi, thì các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết gồm nông sản khô (măng, miến, mộc nhĩ…), bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, hoa tươi, cây cảnh, xăng dầu, may mặc, điện máy....

Để chuẩn bị mùa mua sắm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở Công Thương Hà Nội đã có nhiều giải pháp, chủ động các phương án đáp ứng nhu cầu hàng hóa tăng cao của người dân. 

Hà Nội: Lên phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa, ổn định giá cả dịp Tết Nguyên đán- Ảnh 1.

Để chuẩn bị mùa mua sắm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới, TP. Hà Nội đã chủ động các phương án đáp ứng nhu cầu hàng hóa tăng cao của người dân. Ảnh: Internet

Từ đầu năm, Sở đã tham mưu trình UBND TP Hà Nội ban hành và tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2023 (thời gian thực hiện từ tháng 7/2023 đến hết tháng 6/2024), để chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn, nhất là trong dịp Tết 2024. Qua đó, đã vận động 27 đơn vị sản xuất, kinh doanh của Hà Nội và các tỉnh, thành phố tham gia, thực hiện cung ứng các mặt hàng bình ổn thị trường tới hơn 14.000 điểm bán trên toàn thành phố Hà Nội (trong đó trên 8.000 cửa hàng kinh doanh tổng hợp và chuyên doanh; gần 900 sạp hàng tại các chợ truyền thống và hơn 500 bếp ăn tập thể).

Từ tháng 9/2023, Sở đã chủ động theo dõi sát thông tin tình hình thị trường và xây dựng Kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, trong đó đã xác định nhóm hàng, dự báo khả năng cung ứng, nhu cầu các mặt hàng thiết yếu trong 3 tháng trước, trong và sau Tết; hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh xây dựng Kế hoạch, ký kết các hợp đồng mua bán hàng hóa, tổ chức các điểm bán hàng bảo đảm đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định phục vụ nhân dân. Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 7%-25% tùy từng mặt hàng so với kế hoạch phục vụ Tết năm 2023 sẵn sàng phục vụ nhân dân (trong đó, tỷ trọng hàng Việt Nam, nhất là hàng nông sản đặc trưng của các địa phương, sản phẩm OCOP chiếm khoảng 90%).

Để chủ động nguồn hàng, Sở thường xuyên triển khai các hoạt động kết nối cung cầu giữa Thành phố Hà Nội với các tỉnh để hỗ trợ các đơn vị phân phối trên địa bàn tạo nguồn hàng hóa ổn định, chất lượng từ các tỉnh, thành phố phục vụ nhân dân. Trong năm 2023, Sở đã tổ chức khoảng 40 hoạt động giao thương kết nối trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Kết quả: Hỗ trợ giới thiệu trên 3000 sản phẩm OCOP các tỉnh, thành phố về thị trường Hà Nội; hỗ trợ kết nối tiêu thụ trên 500.000 tấn hàng hóa phục vụ nhân dân Thủ đô.

Trao đổi với các cơ quan báo chí, Phó Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Đỗ Tuệ Tâm cho biết, Hapro đã tập trung xây dựng chương trình kinh doanh phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Tại hệ thống siêu thị Hapro/BRGMart hiện có trên 40 điểm bán, siêu thị, cửa hàng tại địa bàn thành phố Hà Nội. Từ tháng 9, tháng 10/2023; Hapro/BRGMart đã trao đổi cùng các nhà cung cấp, đặc biệt với các nhà cung cấp cung ứng mặt hàng thiết yếu, lập kế hoạch dự trữ và cung ứng nguồn hàng liên tục tăng từ 20-30% sản lượng bán hàng so với năm 2023; để phục vụ Tết Nguyên Đán.

Giám đốc siêu thị Coop Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung thông tin, tổng giá trị nguồn hàng thiết yếu phục vụ Tết của Saigon Co.op lên đến 10.000 tỷ đồng, tăng từ 20 – 50% tùy theo nhóm hàng so với tháng kinh doanh bình thường. Phần lớn ngân sách ưu tiên cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản,...

Cùng với công tác chuẩn bị nguồn cung, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở sẽ thường xuyên đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng kịp thời, đầy đủ, nhất là trong dịp Tết 2024. Đồng thời phối hợp với các đơn vị có liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực về giá, chất lượng hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Việc tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân trong tháng cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội, thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn thành phố.

Ngô Huy
Ý kiến của bạn