Hà Nội lên phương án xử lý rác khi bãi rác Nam Sơn dừng tiếp nhận vì quá tải
Để giải quyết ổn thỏa tình trạng các bãi rác lớn liên tiếp phải dừng tiếp nhận rác do quá tải, thành phố Hà Nội cần quyết liệt, mạnh tay xử lý các dự án xử lý rác thải chậm tiến độ.
Ngày 1/11, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) đã có văn bản hỏa tốc gửi Ban Duy tu các Công trình hạ tầng kỹ thuật về việc tạm dừng tiếp nhận rác ở ô chôn lấp rác thải tại bãi Nam Sơn để phòng tránh sự cố chất thải.
Theo đó, Urenco cho biết, tại bãi rác Nam Sơn đang tồn đọng khoảng 554.774 m3 nước rỉ rác được lưu chứa tại 5 vị trí. Hiện tại, các hồ nước rác không còn khả năng lưu chứa thêm, mực nước rác lưu chứa tại các hồ đều vượt cao độ lưu chứa an toàn.
Thời gian qua, Urenco đã thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố như đắp bờ bao bằng bao tải đất, vôi, nắn dòng nước rác về hố tụ; Lắp đặt máy bơm tại các hố tụ bơm hồi lưu nước rác về hồ chứa; Dự phòng đất tại vị trí phía Bắc hồ sinh học; Bơm nước rác tại các ô chứa nước rác phía Tây ô 8 xuống dưới vị trí rò rỉ… Tuy nhiên, đến nay không thể kiểm soát được nước rỉ rác phát sinh.
Trước tình hình bãi rác Nam Sơn lớn nhất Hà Nội tạm dừng tiếp nhận rác để có biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải, Sở Xây dựng Hà Nội đã lên phương án đưa rác thải ở 17 quận, huyện của Hà Nội về Khu xử lý Xuân Sơn và Nhà máy điện rác Sóc Sơn. Một số nơi phải thực hiện lưu chứa rác tại địa bàn.
Cụ thể, với hơn 1.000 tấn rác thải/ngày từ các quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hà Đông và Long Biên, một phần rác sẽ được chuyển đến Nhà máy điện rác Sóc Sơn. Mỗi quận được phân luồng vận chuyển 100 tấn rác/ngày, số còn lại thực hiện lưu chứa tại địa bàn.
Gần 1.500 tấn rác thải/ngày ở 7 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và Bắc Từ Liêm sẽ được phân luồng về Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn.
Riêng 385 tấn rác/ngày ở quận Thanh Xuân được chuyển về xử lý tại Nhà máy đốt rác Thành Công nằm trong Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn.
Đối với rác thải của 5 huyện ngoại thành là Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn và Mê Linh, phương án hiện tại là thực hiện lưu chứa tạm thời tại địa bàn.
Để đề phòng sự cố và thời tiết xấu những ngày tiếp theo, Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu trong quá trình lưu chứa, các huyện cần thực hiện che phủ bạt, phun khử mùi, kiểm soát nước rác nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Dự kiến, việc phân luồng trên sẽ kéo dài 2-3 ngày, sau đó Khu xử lý rác thải Nam Sơn sẽ tiếp nhận trở lại bình thường.
Đối với công tác vận hành khu xử lý, Sở Xây dựng đề nghị trạm xử lý nước rác của Công ty Urenco vận hành lại ngay từ 3/11 với công suất trên 1.000 m3/ngày đêm. Công ty phải chịu trách nhiệm nếu để chậm vận hành xử lý nước rác, làm ảnh hưởng đến hoạt động của khu xử lý.
Nhìn nhận thực tế, nhiều chuyên gia môi trường cho rằng tình trạng quá tải ở bãi rác Nam Sơn đã tồn tại nhiều năm, nguy cơ khủng hoảng rác thải ở Hà Nội đã hiện hữu. Thực tế thời gian qua cho thấy nội thành Hà Nội cũng đã nhiều lần tràn ngập rác thải mỗi khi người dân sinh sống xung quanh bãi rác Nam Sơn chặn xe chở rác. Tuy nhiên, thành phố dường như chưa thực sự rốt ráo về phương án xử lý.
Đáng nói là, theo quy hoạch xử lý chất thải rắn của Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 17 khu xử lý chất thải rắn, trong đó có xử lý chất thải sinh hoạt. Thế nhưng, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết đến nay cả thành phố mới chỉ có 3 khu xử lý chất thải sinh hoạt có thể hoạt động là Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn) ở huyện Sóc Sơn; Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (bãi rác Xuân Sơn) ở thị xã Sơn Tây và Khu xử lý chất thải Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm.
Trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng để giải quyết ổn thỏa tình trạng các bãi rác lớn liên tiếp phải dừng tiếp nhận rác do quá tải, thành phố Hà Nội cần quyết liệt, mạnh tay xử lý các dự án xử lý rác chậm tiến độ; kiên quyết thay thế những đơn vị không đảm bảo năng lực, có quyết định đầu tư nhưng chậm, không triển khai thực hiện.
Huyền My (T/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.