Hà Nội: Lưu giữ và phát huy tinh hoa, thế mạnh làng nghề dệt truyền thống Phùng Xá
Làng Phùng Xá (huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội) là làng nghề truyền thống lâu đời, nổi danh với nghề canh cửi thuộc đất Hà Tây cũ. Nằm ven bờ sông Đáy, bên những nương dâu xanh ngắt và những hồ sen hồng mùa hạ, làng nghề dệt Phùng Xá đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của những người yêu thích trải nghiệm, được tận tay cảm nhận những sản phẩm tơ tằm độc đáo, đạt tiêu chuẩn OCOP.
Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km, xã Phùng Xá nổi tiếng với nghề dệt truyền thống. Đi khắp làng dệt Phùng Xá, đâu đâu cũng vang lên tiếng máy dệt lách cách, một âm thanh đặc trưng chẳng thể lẫn. Khác với làng Vạn Phúc, Hà Đông chuyên dệt lụa, người dân tại xã Phùng Xá thực hiện tất cả các công đoạn của nghề truyền thống từ trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ đến dệt, nhuộm vải,...
Độc đáo sản phẩm OCOP làng nghề dệt Phùng Xá
Từ cuối những năm 60 đến đầu những năm 80 của thế kỷ XX, mảnh đất Phùng Xá còn được mệnh danh là “thủ phủ dâu tằm”. Tuy nhiên, giống như nhiều làng nghề truyền thống khác, nghề dệt Phùng Xá cũng trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, có những lúc tưởng chừng như mai một. Với lòng yêu nghề tha thiết, người dân nơi đây đã tự tìm tòi, sáng tạo, mạnh dạn đầu tư máy dệt, nguyên liệu nhằm duy trì nghề truyền thống và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Chỉ với nguyên liệu đầu vào là những cối sợi trắng, bằng đôi bàn tay khéo léo cùng với óc sáng tạo, người dân Phùng Xá đã làm ra những chiếc khăn với đủ mẫu mã, kiểu dáng và có chất lượng cao đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước: Khăn mặt, khăn nhỡ, khăn tắm, khăn trơn, khăn họa tiết, khăn nhuộm màu, phun màu... Năm 2002, Phùng Xá được công nhận là làng nghề truyền thống, đây chính là động lực quan trọng để nghề dệt ngày một phát triển.
Nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ, làng nghề dệt Phùng Xá hiện được xem là nơi có mô hình sản xuất sản phẩm OCOP tiêu biểu có bước bứt phá trong nâng cao chất lượng sản phẩm của huyện Mỹ Đức. Từ khi có các sản phẩm OCOP chất lượng cao, nghề dệt tơ của Phùng Xá đã lấy lại được vị thế, góp phần nâng cao kinh tế địa phương. Đến nay, nghề dệt không chỉ xây dựng được thương hiệu cho Phùng Xá mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm hộ gia đình.
Toàn xã Phùng Xá hiện có khoảng 1.700/2.230 hộ gia đình chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm khăn mặt, khăn tắm... Giá trị kinh tế làng nghề chiếm gần 70% cơ cấu kinh tế toàn xã. Nghề đã tạo việc làm cho hơn 4.500 lao động trên địa bàn và khoảng 2.000 lao động vùng lân cận, với mức thu nhập trung bình khoảng 5 - 7 triệu đồng/tháng, giúp các hộ dân xóa đói giảm nghèo, ổn định và nâng cao đời sống.
Nhận thức rõ việc xây dựng thương hiệu, quy chuẩn chất lượng cho sản phẩm, các hộ sản xuất, doanh nghiệp ở địa phương đã rất tích cực tham gia vào OCOP của thành phố Hà Nội. Tính đến nay, trên địa bàn xã đã có khoảng trên 34 sản phẩm của hơn 8 chủ thể là hộ sản xuất, doanh nghiệp được thành phố Hà Nội chứng nhận OCOP như: “Khăn lụa tơ tằm”, “Khăn lụa tơ sen”, “Chăn bông tơ tằm tự dệt”; các sản phẩm khăn mặt, khăn tắm làm từ sợi nở, sợi tre, sợi cotton…
Đón làn gió đổi mới từ nền kinh tế thị trường, làng Phùng Xá vẫn còn đó nhiều thế hệ nghệ nhân tâm huyết với nghề truyền thống. Có những người cao tuổi vẫn tận tâm, trăn trở với nghề, lại có thêm những lớp trẻ năng động, cởi mở, đưa làng nghề lên một tầm cao mới.
Trong số đó, nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận (Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức, Hà Nội), người luôn sáng tạo để tìm ra những lối đi mới thích nghi với thời cuộc. Đầu năm 2023, sản phẩm "Chăn bông tơ tằm tự dệt" của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Trung ương công nhận đạt 5 sao. Ngoài ra còn nhiều sản phẩm khác, như: Khăn lụa tơ tằm, Khăn lụa tơ sen… đã được thành phố đánh giá, phân hạng trong chương trình OCOP. Các sản phẩm được làm thủ công, được sinh ra tự nhiên và phân hủy tự nhiên nên rất thân thiện với môi trường.
Để có các sản phẩm chất lượng cao tham gia Chương trình OCOP, nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận cho biết đó là hành trình lao động và sáng tạo không ngừng của mỗi người lao động. Ví như, với chiếc “Khăn tơ sen” được đánh giá là tiềm năng OCOP 5 sao, công nhân đã phải ngắt cuống sen từ đầm về cắt, vặn, kéo thủ công từng sợi tơ. Gần 5.000 cuống sen mới đủ sợi để dệt nên chiếc khăn tơ sen dài 1,7m, rộng 0,25m... Đây là những sản phẩm độc đáo trên thị trường Việt Nam.
Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực may mặc xuất khẩu, Công ty TNHH Dệt may Thành Long thường xuyên có 100 công nhân lao động. Giám đốc Công ty TNHH Dệt may Thành Long Phạm Đình Thành thông tin, những năm qua, công ty đã đưa nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đại lý khắp khu vực miền Bắc. Các sản phẩm của Thành Long có chế độ hậu mãi và chăm sóc được đánh giá hoàn hảo. Vì vậy, khách hàng luôn tin tưởng và tìm đến Thành Long ngày càng tăng.
Năm 2021, công ty đạt được giấy chứng nhận ISO 9001:2015 về sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ sợi, các loại khăn tắm, khăn rửa mặt, áo choàng tắm,…
Đặc biệt, cũng trong năm 2021, công ty đã được UBND thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng và quết định công nhận OCOP 4 sao cho 4 sản phẩm gồm: Áo choàng tắm cotton BOHA; Bộ khăn bông sợi tre BOHA; Bộ khăn bông sợi nở BOHA; Bộ khăn bông cotton BOHA. Đây như một lời khẳng định thương hiệu và chất lượng của công ty tới đông đảo khách hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh thành.
Tiếp nối mạch nguồn để nghề dệt tiếp tục phát triển
Từ tấm chăn bông tơ tằm tự dệt, tiếng lành đồn xa, khách hàng biết đến các sản phẩm của Phùng Xá ngày một nhiều hơn. Nhờ vậy, nhiều thợ ươm tơ, dệt vải trong xã có thêm động lực bám trụ với nghề truyền thống.
Bên cạnh đó, kể từ khi tham gia Chương trình OCOP của thành phố, thị trường tiêu thụ sản phẩm của xã không chỉ giới hạn ở trong nước mà còn vươn ra quốc tế. Lụa Phùng Xá đã có mặt tại các quốc gia như Nhật Bản, Đức, một số nước thuộc khu vực Trung Đông,…
Với định hướng phát triển làng nghề hiện đại, bền vững, Chủ tịch UBND xã Phùng Xá Vũ Văn Chùy cho biết, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi để các hộ sản xuất, doanh nghiệp tại làng nghề vay vốn, đầu tư máy móc hiện đại cho sản xuất. Việc làm này không chỉ giúp nâng cao năng suất lao động mà còn giúp sản phẩm đồng đều hơn, chất lượng hơn, đáp ứng các tiêu chí để xuất khẩu và đưa sản phẩm vào các kênh phân phối lớn. Hiện, xã Phùng Xá đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Làng nghề chính là một trong những điểm sáng trong "bức tranh" kinh tế của xã. Cũng nhờ thu nhập khá từ ngành nghề, người dân có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang và tích cực đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, chung sức làm đẹp quê hương.
Không giấu được niềm vui, bà Nguyễn Thị Ngát, ở xã Mỹ Thành (huyện Mỹ Đức), đang có việc làm ổn định tại một doanh nghiệp dệt ở Phùng Xá cho biết: Công việc chính của tôi là rọc khăn, máy bo viền, xếp khăn thành phẩm vuông vắn. Mỗi ngày đi làm, tôi được trả công 200.000 đồng. Đó là mức thu nhập khá, vì vậy kinh tế gia đình hiện nay cũng dần ổn định, con cái có điều kiện học hành tốt, gia đình tôi có thêm thu nhập mỗi khi nông nhàn.
Trưởng Phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn khẳng định, nhờ có sự nỗ lực vực dậy nghề truyền thống, các hộ dân ở xã Phùng Xá bước đầu đã thực sự thành công với những sản phẩm lụa tơ tằm chất lượng cao. Nhờ đó, vừa làm giàu cho cá nhân, vừa góp phần giữ nét đẹp đặc trưng của vùng quê ven dòng sông Đáy, thúc đẩy phát triền kinh tế - xã hội cho địa phương, nâng cao đời sống của nhân dân.
Văn phòng nông thôn mới Hà Nội đồng hành cùng bài viết này!
Ngô HuyCác nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.