Hà Nội mở rộng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài
Hà Nội luôn đứng đầu trong cả nước về thu hút vốn FDI, tiếp tục thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài nhờ bảo đảm được môi trường đầu tư bền vững và đầy triển vọng.
Đây cũng là tiền đề để Hà Nội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường hội nhập quốc tế, đồng thời khẳng định vị thế Thủ đô, đưa Hà Nội xứng tầm là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế và ngoại giao.
Tích cực hội nhập quốc tế, cải thiện môi trường đầu tư
Theo Sở KH&ĐT Hà Nội, giai đoạn 2008 - 2022, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội huy động gần 4,04 triệu tỷ đồng, tăng hàng năm 11,04%. Cơ cấu đầu tư xã hội dịch chuyển rõ nét, khu vực nhà nước giảm từ 51% năm 2010 xuống còn khoảng 34,3%; khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh, từ 35,3% lên khoảng 54,8%.
Luỹ kế đến 2022, đã thu hút mới trên 4.500 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 33 tỷ USD. TP Hà Nội luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư. Các doanh nghiệp FDI đã đóng góp trên 10% thu ngân sách, 11% số lao động trong các doanh nghiệp, 11% vốn đầu tư phát triển toàn xã hội.
Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, trong 10 tháng của năm 2023, TP thu hút hơn 2,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong đó, có 346 dự án mới với tổng vốn đầu tư đạt 321,1 triệu USD, 141 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 242,5 triệu USD, 273 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị vốn góp đạt 544,3 triệu USD và 1 lượt giao dịch của nhà đầu tư mua cổ phiếu trên sàn chứng khoán với giá trị giao dịch đạt 1,5 tỷ USD.
Hà Nội hiện xếp thứ 3 trên cả nước về thu hút FDI trong 10 tháng. Dự kiến 2 tháng còn lại của năm 2023, Thành phố ước thu hút FDI đạt khoảng 484,8 triệu USD. Những yếu tố giúp Hà Nội luôn nằm trong Top dẫn đầu các tỉnh, thành phố về thu hút vốn đầu tư nước ngoài bởi Hà Nội là Thủ đô của cả nước, với lợi thế cạnh tranh kinh tế - xã hội phát triển bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, thị trường tiềm năng, dịch vụ đa dạng. Hơn nữa Hà Nội được đánh giá cao về cơ sở hạ tầng, chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, luôn sát cánh hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp.
Cùng với cả nước bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế sâu, rộng với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, thành phố Hà Nội đã và đang xác định cộng đồng doanh nghiệp nói chung, cộng động doanh nghiệp FDI nói riêng là động lực quan trọng cho quá trình hội nhập và phát triển của Thủ đô.
Dự kiến, năm 2024, thành phố phấn đấu thu hút FDI đạt khoảng 3,15 tỷ USD; trong đó, các dự án có sử dụng đất khoảng hơn 2,15 tỷ USD, các dự án thương mại, dịch vụ khoảng 1 tỷ USD. Năm 2025, thành phố phấn đấu thu hút FDI đạt khoảng 2,7 tỷ USD; trong đó, các dự án có sử dụng đất khoảng hơn 1,5 tỷ USD, các dự án thương mại, dịch vụ đạt khoảng 1,2 tỷ USD.
Điểm đến an toàn, hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại
Hà Nội đang tiếp tục được đánh giá là điểm đến an toàn, hấp dẫn và tiềm năng đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Hà Nội trong những năm gần đây có xu hướng tăng lên, đặc biệt là sau khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), nếu xét về số dự án mới, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung nhiều tại các TP lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Trong giai đoạn quy hoạch phát triển Thủ đô tầm nhìn 2030 - 2035, Hà Nội xác định một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển chung, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khai thác các lợi thế của Thủ đô. Đồng thời khai thác các thế mạnh của các tỉnh, TP trong vùng như phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng TP thông minh; công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và tiêu hao ít năng lượng. Tiếp đến là các dự án lĩnh vực công nghệ thông tin; nghiên cứu phát triển; du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng; đào tạo nhân lực; nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm sạch an toàn…
Mới đây Chính phủ đã bàn giao Khu công nghệ cao Hoà Lạc về cho UBND TP. Hà Nội quản lý. Với hạ tầng đồng bộ, Khu công nghệ cao Hoà Lạc có đầy đủ điều kiện để hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư muốn tìm đến một vị trí là trung tâm kinh tế của vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đến nay, khu công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được 106 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 85.602 tỷ đồng và 702,57 triệu USD trên tổng diện tích khoảng 380ha. Trong 106 dự án của nhà đầu tư nêu trên có 60 dự án đang hoạt động góp phần tạo việc làm cho khoảng 14.500 lao động có tay nghề.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho hay: Thành phố sẵn sàng đồng hành, sát cánh cùng nhà đầu tư; đảm bảo an ninh, an toàn, ổn định; đảm bảo cung ứng thiết yếu (điện, nước, logistics), đẩy mạnh phát triển hạ tầng và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao. Thành phố tiếp tục đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch cũng như gắn với hoạt động đối ngoại, văn hóa. Đẩy mạnh vai trò của các cơ quan xúc tiến đầu tư đối với các tổ chức ngoại giao và khu vực kinh tế vốn đầu tư nước.
Đặc biệt, Luật Thủ đô sẽ góp phần khơi thông các nguồn lực của Thủ đô, đặc biệt là những vấn đề về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện môi trường… sẽ tiếp tục được cập nhật nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển, đạt mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo.
Ngọc MỹFestival Hoa Mê Linh lần thứ 2, năm 2024 tiếp tục được tổ chức với chủ để "Mê Linh rực rỡ sắc hoa" sẽ được tổ chức trong 4 ngày, dự kiến từ ngày 26/12/2024 đến hết ngày 29/12/2024, tại Quảng trường Trung tâm hành chính huyện Mê Linh.