Hà Nội: Mở rộng đối tượng hưởng hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Hà Nội sẽ hỗ trợ từ 10% đến 100% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế tương ứng đối với nhiều đối tượng từ năm 2026.
Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định nội dung và mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn Thủ đô. Nghị quyết này áp dụng cho những người đang thường trú tại Hà Nội và có nhu cầu được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: BHXH VN
Đây là bước cụ thể hóa quan trọng tinh thần của Luật Thủ đô năm 2024 và khẳng định cam kết mạnh mẽ của chính quyền Hà Nội trong việc bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Đối tượng hưởng chính sách được mở rộng, bao gồm: Hộ gia đình nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo theo chuẩn đa chiều của thành phố; người cao tuổi từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế, và không thuộc đối tượng bảo hiểm y tế bắt buộc.
Người khuyết tật nhẹ (trừ trẻ em dưới 16 tuổi) chưa có thẻ bảo hiểm y tế; người dân tộc thiểu số chưa có thẻ bảo hiểm y tế, và không thuộc đối tượng bảo hiểm y tế bắt buộc.
Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình, đang học tập tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội.
Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình theo chuẩn của thành phố; người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không thuộc diện bắt buộc, và đáp ứng các quy định của Chính phủ.
Các các mức hỗ trợ cụ thể sẽ bổ sung đáng kể vào các chính sách hỗ trợ hiện hành của Nhà nước.
Cụ thể, về BHXH tự nguyện, thành phố hỗ trợ thêm 50% mức đóng đối với người thuộc hộ nghèo theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ thêm 60% mức đóng đối với người thuộc hộ cận nghèo; hỗ trợ thêm 10% mức đóng đối với một số đối tượng khác theo quy định. Mức hỗ trợ này được tính dựa trên mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng theo chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn và sẽ được điều chỉnh khi Chính phủ có chính sách thay đổi.
Về BHYT, thành phố hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho thành viên hộ gia đình được công nhận thoát nghèo đồng thời thoát cận nghèo hoặc thoát cận nghèo. Thời gian hỗ trợ lên đến 36 tháng. Thành phố cũng hỗ trợ 100% mức đóng cho người cao tuổi từ 70 đến dưới 75 tuổi và người khuyết tật nhẹ (không bao gồm trẻ em dưới 16 tuổi) chưa có thẻ BHYT, người dân tộc thiểu số chưa có thẻ BHYT.
Đặc biệt, người dân tộc thiểu số tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn trước đây nhưng nay không còn trong danh sách, sẽ được hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHYT. Thành phố hỗ trợ thêm 70% mức đóng BHYT cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình; hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình.
Kinh phí để thực hiện Nghị quyết sẽ được lấy từ ngân sách nhà nước theo phân cấp. Để bảo đảm hiệu quả triển khai, UBND TP.Hà Nội được giao trách nhiệm tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả hằng năm. Thường trực HĐND, các ban của HĐND, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND Thành phố sẽ giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.Hà Nội cũng được đề nghị phối hợp tuyên truyền và tham gia giám sát.
Với việc ban hành Nghị quyết lần này, Hà Nội đã thể hiện vai trò tiên phong trong việc cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024, hướng tới mục tiêu nâng cao phúc lợi, giảm bất bình đẳng và thúc đẩy phát triển bền vững. Chính sách này không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mà còn là động lực để người dân yếu thế yên tâm tham gia hệ thống an sinh xã hội, đóng góp cho sự phát triển chung của Thủ đô.
An Mai
Danh mục Phân loại Xanh chính thức ban hành tạo nền tảng pháp lý quan trọng, mở đường cho tín dụng và trái phiếu xanh phát triển mạnh tại Việt Nam trong giai đoạn tới.