Hà Nội: Năm học 2025-2026, thành phố sẽ có thêm 2 trường THPT công lập

Địa phương
10:23 AM 16/07/2025

UBND TP Hà Nội đã quyết định thành lập Trường THPT Phúc Thịnh (xã Phúc Thịnh) và Trường THPT Đỗ Mười (phường Yên Sở), trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 3781/QĐ-UBND về việc thành lập Trường Trung học Phổ thông Phúc Thịnh thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội; Quyết định số 3782/QĐ-UBND về việc thành lập Trường Trung học Phổ thông Đỗ Mười thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Với việc có thêm 2 trường THPT, nguyện vọng của phụ huynh và học sinh Thủ đô về chỗ học công lập sẽ được đáp ứng tốt hơn.

Theo Quyết định, Trường Trung học phổ thông Phúc Thịnh được thành lập tại xã Phúc Thịnh, là cơ sở giáo dục phổ thông công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân và thuộc mạng lưới các trường phổ thông của thành phố Hà Nội. Trường có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được phép mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại theo quy định hiện hành.

Trường tổ chức và hoạt động theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với loại hình trường trung học phổ thông; chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và các cơ quan chức năng có liên quan của Thành phố.

Hà Nội: Năm học 2025-2026, thành phố sẽ có thêm 2 trường THPT công lập- Ảnh 1.

Phối cảnh trường Trung học phổ thông Đỗ Mười

Về biên chế, nhà trường được giao biên chế sự nghiệp theo Thông tư số 20/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nằm trong tổng biên chế sự nghiệp của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Trong năm học 2025-2026, trường sẽ được bố trí 42 biên chế viên chức và 5 chỉ tiêu lao động hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP để thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ và phục vụ.

Còn Trường Trung học phổ thông Đỗ Mười được đặt tại phường Yên Sở, Thành phố Hà Nội. Đây là cơ sở giáo dục phổ thông công lập, thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và nằm trong mạng lưới các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố.

Trường có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu riêng và mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại theo quy định. Việc tổ chức và hoạt động của nhà trường tuân thủ các quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với trường trung học phổ thông; đồng thời chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp, toàn diện của Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan của Thành phố.

Biên chế sự nghiệp của trường được xác định trong tổng biên chế sự nghiệp của Sở Giáo dục và Đào tạo, căn cứ theo Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT. Việc phân bổ biên chế sẽ được thực hiện hằng năm theo nhu cầu thực tế.

Riêng năm học 2025–2026, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ điều chỉnh trong tổng biên chế sự nghiệp đã được giao năm 2025 để bố trí 35 biên chế viên chức và 5 chỉ tiêu lao động hợp đồng (theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP), phục vụ công tác bảo vệ và vận hành Trường THPT Đỗ Mười, đáp ứng yêu cầu quản lý và giảng dạy trong năm học đầu tiên.

Việc có thêm 2 trường THPT công lập đi vào hoạt động từ năm học 2025-2026 đã thể hiện sự quan tâm đầu tư của thành phố và ngành giáo dục Thủ đô trong việc xây dựng bổ sung trường, lớp và các điều kiện học tập với mục tiêu giảm áp lực kỳ thi vào lớp 10 từ năm học 2025-2026 và các năm học tiếp theo. Thông tin chi tiết về tuyển sinh 2 trường dự kiến sẽ được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố trong vài ngày tới.

Ngọc Mỹ
Ý kiến của bạn