Hà Nội: Nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã
Hà Nội có số lượng hợp tác xã dẫn đầu cả nước, trong đó, kinh tế hợp tác xã nông nghiệp đóng góp tích cực trong tỷ trọng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP). Nhằm khuyến khích, tạo điều kiện phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã, TP Hà Nội đã từng bước tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các đơn vị.
Những năm gần đây, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp thành phố TP Hà Nội ngày càng được nâng cao, ngành nghề kinh doanh cũng đa dạng hơn. Các hợp tác xã trên địa bàn Thủ đô đã và đang phát huy vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội và đẩy nhanh quá trình xây dựng Nông thôn mới ở các địa phương.
Với yêu cầu cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, kinh tế hợp tác xã đã có bước phát triển mới cả về số lượng, hiệu quả hoạt động với nhiều loại hình hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, giáo dục trải nghiệm.
Đơn cử như Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn, thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) đã và đang trồng nhiều loại rau, củ theo công nghệ tiên tiến của Nhật Bản. Hợp tác xã đã đầu tư lắp đặt hệ thống camera, lưu trữ dữ liệu 30 ngày gần nhất để minh bạch quá trình sản xuất, giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm một cách nhanh chóng.
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã có kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã thành phố Hà Nội năm 2025. Kế hoạch nhằm khuyến khích, tạo điều kiện phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã, tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, người lao động và bảo đảm an sinh xã hội; từng bước tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho khu vực kinh tế tập thể; hướng dẫn, vận động giải thể các hợp tác xã ngừng hoạt động trên địa bàn, tạo dư địa thành lập mới các hợp tác xã…
Theo đó, các cơ quan, đơn vị liên quan của thành phố sẽ tư vấn, hướng dẫn thành lập mới 100 hợp tác xã, 2 liên hiệp hợp tác xã; nâng số hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động loại tốt, khá chiếm 65 - 70%; đồng thời tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho 47 lớp; hỗ trợ 250 hợp tác xã tham gia xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.
Thành phố sẽ hỗ trợ củng cố 80 hợp tác xã tại xã xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu; hỗ trợ lao động trẻ về làm việc tại 30 hợp tác xã; hỗ trợ 10 hợp tác xã kinh phí thuê địa điểm và vận hành điểm giới thiệu sản phẩm.
Thành phố cũng phấn đấu doanh thu bình quân của một hợp tác xã là 3 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân của người lao động trong hợp tác xã là 65 triệu đồng/năm; lãi bình quân của hợp tác xã là 220 triệu đồng/năm. Cùng với đó, phát triển 50 hợp tác xã trở lên tham gia thành viên Liên minh Hợp tác xã thành phố.
Để hoàn thành các chỉ tiêu, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch về phát triển KTTT, HTX do UBND thành phố ban hành; tư vấn, hướng dẫn HTX trong việc áp dụng chính sách, pháp luật; phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các HTX, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX tham gia thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội thuộc ngành, lĩnh vực mình quản lý và trên địa bàn.
Liên minh HTX thành phố tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển KTTT, HTX; tăng cường phối hợp với các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã trong việc hướng dẫn, hỗ trợ phát triển KTTT, HTX; chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khu vực KTTT, HTX nhằm hoàn thành các chỉ tiêu của kế hoạch giai đoạn 2021-2025.
UBND các quận, huyện, thị xã xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể hỗ trợ các HTX, thành viên HTX. Chủ động phối hợp triển khai các hoạt động đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT, HTX trên địa bàn; hỗ trợ các HTX tăng cường đổi mới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất kinh doanh; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, chứng nhận chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Hữu cơ, sản phẩm OCOP...; xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; liên doanh, liên kết, xây dựng các mô hình Liên hiệp HTX và các mô hình HTX hoạt động hiệu quả; tạo điều kiện cho các HTX tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; hỗ trợ các HTX tiếp cận vay vốn của các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn.
UBND Thành phố yêu cầu các chỉ tiêu kế hoạch phải được đánh giá khách quan, toàn diện, khả thi, phù hợp với kết quả, tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch trong năm 2024; được triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với chỉ tiêu kế hoạch dài hạn của Thành phố; tạo doanh thu, việc làm, thu nhập ổn định cho HTX, Liên hiệpHTX, tổ hợp tác và các thành viên; tăng sức cạnh tranh của dịch vụ, sản phẩm và củng cố, tạo mối quan hệ hợp tác giữa các HTX phát triển bền vững, chất lượng.
Huyền MyĐà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.