Hà Nội: Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở
Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở" trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm nâng cao năng lực, đổi mới, phát triển đội ngũ hòa giải viên, góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền...
UBND thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở" trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2025-2030 khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp từ ngày 1/7/2025.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Kế hoạch nhằm nâng cao năng lực, đổi mới, phát triển đội ngũ hòa giải viên, góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền...
Theo báo cáo của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) thành phố Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, Hà Nội đã thực hiện tốt công tác hoà giải ở cơ sở, mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” ngày càng phát huy hiệu quả với 4.053/5.111 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt” (đạt tỷ lệ 79,29%). Các xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tiếp tục đạt cao, đạt tỷ lệ 97% (480/495 đơn vị cấp xã), cao hơn năm trước.
Dựa trên kết quả đạt được, Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở" đặt ra mục tiêu, thành phố phấn đấu đến năm 2030: 100% tổ hòa giải được kiện toàn đúng quy định; 100% tập huấn viên, hòa giải viên được tập huấn và có tài liệu; 90% trở lên hòa giải viên được bồi dưỡng kỹ năng (bồi dưỡng kỹ năng 100% với người mới trong 6 tháng); ít nhất 10% tổ hòa giải có hỗ trợ chuyên môn từ lực lượng pháp lý, luật sư, công an.
Thành phố cũng phấn đấu đến hết năm 2030: Tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi toàn thành phố đạt từ 90% trở lên; ít nhất 60% đơn vị xã, phường đạt yêu cầu của mô hình “Xã, phường điển hình về hòa giải ở cơ sở”; mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”.
“Tổ hòa giải 5 tốt” tại Hà Nội có 5 tiêu chí gồm: Phát hiện vụ việc kịp thời, tổ chức hòa giải tốt, đạt tỷ lệ hòa giải thành từ 90% trở lên; Phối hợp tốt giữa Ban công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể ở cơ sở, các tổ hòa giải và tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động hòa giải ở cơ sở; Được cung cấp tài liệu liên quan đến hoạt động hòa giải; tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và kỹ năng cho hòa giải viên; Được hỗ trợ kinh phí thực hiện công tác hòa giải đúng, kịp thời theo quy định của pháp luật; Định kỳ giao ban 6 tháng, hằng năm trao đổi kinh nghiệm hòa giải, báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động hòa giải; ghi chép, quản lý sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở theo đúng quy định.
Việc đưa ra 5 tiêu chí trên đã gắn trách nhiệm của chính quyền và hòa giải viên trong công tác hòa giải, tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn TP tăng cao qua từng năm.
Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị hướng dẫn, xây dựng mô hình điểm "Tổ hòa giải 5 tốt", "xã/phường điển hình"; kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ tập huấn viên; củng cố đội ngũ hòa giải viên tại cơ sở; bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước cho lãnh đạo xã, phường; tăng cường truyền thông, số hóa tài liệu, phổ biến trên mạng xã hội; huy động lực lượng chuyên môn pháp lý và xã hội tham gia hỗ trợ hòa giải; tổ chức các diễn đàn, hội nghị chia sẻ kinh nghiệm và hội thi hòa giải viên giỏi...
UBND thành phố giao Sở Tư pháp chủ trì, điều phối, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo về nội dung nêu trên.
An Mai
Cụ thể, từ ngày 1/8, Cục Hải quan chính thức áp dụng chính sách thuế trên cho tất cả doanh nghiệp chuyển phát nhanh qua mọi hình thức hàng không, đường bộ, đường sắt.