Hà Nội: Nâng cao năng lực tham gia TMĐT xuyên biên giới cho doanh nghiệp
TMĐT xuyên biên giới đang trở thành xu hướng phát triển tất yếu trong nền kinh tế toàn cầu. Việc giao dịch qua các nền tảng TMĐT quốc tế giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tiết kiệm chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử 2024 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam công bố, Hà Nội đứng thứ 2 về chỉ số thương mại điện tử. Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu xếp hạng với 87 điểm và đứng thứ hai là Hà Nội với 84,3 điểm, cách khá xa so với vị trí thứ thứ ba là Bình Dương với 51,3 điểm. Trong nhiều năm liền, Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển thương mại điện tử.
Doanh số thương mại điện tử B2C (giao dịch giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng và tính cho cả hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) chiếm 13% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố. 53% người dân Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến. Cùng với đó, 49% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử.
Nhằm nâng cao năng lực tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới, Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 287/KH-UBND, đưa ra những hành động cụ thể triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030”.
Trong số các mục tiêu thực hiện Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt tham gia mạng lưới phân phối nước ngoài, sẽ có trên 100 lượt doanh nghiệp được hỗ trợ để xây dựng năng lực tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới. Ngoài ra, thành phố cũng tổ chức các hoạt động kết nối, giao thương với các mạng phân phối nước ngoài; hỗ trợ trên 80 sản phẩm xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài.
Theo Kế hoạch số 287/KH-UBND, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh các hoạt động nhằm nâng cao ý thức của các doanh nghiệp tại Hà Nội về chuyển đổi số và thương mại điện tử, đặc biệt là đối với các ngành hàng nông sản, thực phẩm, đồ gỗ và nội thất.
Đồng thời, để từng bước nâng cao khả năng chuyển đổi số cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần phối hợp với các tập đoàn thương mại điện tử xuyên biên giới, cả trong và ngoài nước; tổ chức các buổi tập huấn kỹ năng bán hàng trên môi trường số để giúp doanh nghiệp làm quen và thích nghi với hình thức kinh doanh này.
Bên cạnh đó, dịch vụ logistics cũng phải được thúc đẩy phát triển, phục vụ cho xuất khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp đưa sản phẩm vào các hãng phân phối thông qua các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới một cách hiệu quả.
Ngoài ra, Hà Nội đã, đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp từng bước thích nghi, chuyển đổi sản xuất đáp ứng xu hướng tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh các hoạt động nâng cao ý thức của doanh nghiệp trong việc tự chủ nguồn nguyên liệu, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, chủ động phát triển nguồn nguyên liệu xanh, sạch để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Thành phố cũng triển khai các chương trình nâng cao ý thức doanh nghiệp về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, sử dụng công nghệ sản xuất tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng, thân thiện môi trường; thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi năng lượng theo hướng nâng cao nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong sản xuất…
Minh An (t/h)Với 506 tỷ USD, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhờ sự bùng nổ sản xuất và đầu tư nước ngoài.