Hà Nội - Nâng tầm vị thế "Thành phố vì hòa bình"
Sau 25 năm kể từ ngày nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, đến nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô Hà Nội luôn phấn đấu không ngừng, tiếp tục xây dựng, cùng hướng tới một thế giới hòa bình, nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai...
Ngày này 25 năm trước (16/7/1999), Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã trao danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” cho Hà Nội. Càng tự hào bởi Hà Nội là thành phố duy nhất của châu Á - Thái Bình Dương được nhận danh hiệu này và Hà Nội hôm nay, mai sau luôn giữ vững danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”.
Để được UNESCO vinh danh "Thành phố vì hòa bình", Hà Nội phải đảm bảo nhiều tiêu chí, trong đó Thủ đô của Việt Nam có thành tích tiêu biểu về các lĩnh vực: thúc đẩy đoàn kết xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, chống phân biệt đối xử và ủng hộ đối thoại cộng đồng; hoạt động mẫu mực trong phát triển văn hóa, giáo dục; giải quyết các vấn đề xã hội, các vấn đề về đô thị hóa...
Khi nhận danh hiệu "Thành phố vì hòa bình", Hà Nội đang triển khai quy hoạch chung với mục tiêu xây dựng một thành phố hiện đại mà vẫn giữ nét đậm đà bản sắc và truyền thống nghìn năm văn hiến. Từ đó tới nay, Thủ đô đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhất là về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội.
Cùng với đó việc mở rộng quy mô thành phố năm 2008 đã nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế, giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo và đảm bảo an sinh xã hội; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân Thủ đô, đặc biệt là vùng nông thôn, xa trung tâm được cải thiện rõ rệt.
Những kết quả đó là minh chứng sống động cho Hà Nội đã có bước tiến lớn, đạt nhiều thành tựu quan trọng sau 25 năm. Thành phố đã có nhiều thay đổi tích cực, toàn diện so với trước. Mặc dù còn không ít khó khăn, thách thức và còn nhiều việc phải làm, nhưng so với những tiêu chí của UNESCO, Hà Nội đã thực hiện tốt và xứng đáng với danh hiệu "Thành phố vì hòa bình".
Sau 25 năm, Thủ đô ngày càng to đẹp hơn, khang trang hơn, không chỉ mở rộng địa giới hành chính, gia tăng dân số, Hà Nội còn là thành phố đa sắc mầu văn hóa, các loại hình kinh tế phát triển mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện, quốc phòng an ninh được giữ vững, đối ngoại được mở rộng.
Đặc biệt, với việc Quốc hội vừa thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) và Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, được kỳ vọng sẽ nâng tầm mạnh mẽ cho Hà Nội.
Trong Luật Thủ đô (sửa đổi) đã nhấn mạnh: “Việc bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô phải xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước; xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam”.
Hình ảnh Hà Nội là một điểm đến “an toàn - thân thiện”, ngày càng được giới thiệu, quảng bá rộng rãi và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Mặc dù ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, “Hoà bình” không chỉ mang giá trị nhân văn sâu sắc mà còn là mục tiêu và điều kiện căn bản để phát triển bền vững. Thủ đô Hà Nội luôn tự hào về danh hiệu “Thành phố vì hoà bình”, không ngừng nỗ lực vươn lên, vượt qua những khó khăn, thách thức, tự tin phát triển và hội nhập, trở thành một dấu ấn khó quên với bạn bè, du khách từng đặt chân tới.
An MaiĐiều này phản ánh sự thành công trong việc phát triển hạ tầng số, mở rộng kết nối Internet và áp dụng các mô hình Chính phủ điện tử hiệu quả.