Hà Nội - “Ngày trở về”...
Trên thế giới ít có Thủ đô nào có bề dày lịch sử và sự phát triển phong phú như Hà Nội. Mùa thu năm 1010, Lý Công Uẩn chọn mảnh đất đắc địa “rồng cuộn, hổ ngồi”, từ bờ con sông Hồng làm kinh đô của nước Đại Việt “là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời” và
Trên thế giới ít có Thủ đô nào có bề dày lịch sử và sự phát triển phong phú như Hà Nội. Mùa thu năm 1010, Lý Công Uẩn chọn mảnh đất đắc địa “rồng cuộn, hổ ngồi”, từ bờ con sông Hồng làm kinh đô của nước Đại Việt “là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời” và đặt tên gọi Thăng Long theo điềm lành rồng vàng bay lên.
Đây không phải tìm đến vùng đất mới lạ mà chính là sự “trở về” với cội nguồn, về với vùng đất in đậm những chiến công mà Thánh Gióng – đánh thắng giặc Ân xâm lăng bờ cõi; An Dương Vương – xây dựng Thành cổ Loa, chầu về đất Tổ Phong Châu; Hai Bà Trưng - nối tiếp nghiệp xưa họ Hùng, mong muốn xây dựng “Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta”; Ngô Quyền - người anh hùng đại thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chấm dứt ngàn năm Bắc thuộc, đóng đô tại Cổ Loa, mở ra thiên niên kỷ mới. Kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc lên tầm cao mới, thời đại Hồ Chí Minh, Hà Nội – nơi lắng hồn thiêng sông núi ngàn năm, được Đảng ta và Bác Hồ lựa chọn làm Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá… của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chưa được bao lâu, thực dân Pháp ngang nhiên đòi Chính phủ ta giao quyền kiểm soát Thủ đô cho chúng. Trước hành động trắng trợn đó, quân và dân Thủ đô quyết tâm “sống chết với Thủ đô”, bảo vệ trái tim của cả nước.
Tối 19/12/1946, khi tiếng đại bác của quân ta ở Pháo đài Láng nổ rền vang, báo hiệu một cuộc chiến đấu đã bắt đầu; sau đó, từ đài phát thanh di động gọn nhẹ, Bác Hồ đã cất lên “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” vô cùng hào hùng và thiêng liêng: “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm. Không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước” đã chạm vào trái tim của toàn dân Việt Nam trong lúc Tổ quốc lâm nguy, vận mệnh cả dân tộc đang trong cơn nước lửa. Đúng vào thời khắc ấy, Ðảng bộ Hà Nội đã lãnh đạo quân và dân Thủ đô chiến đấu giam chân địch 60 ngày đêm từ ngày 19/12/1945 đến ngày 17/2/1946 trong thành phố, tiêu hao một bộ phận lớn sinh lực địch, đánh bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, tạo điều kiện cho chính quyền cách mạng, nhân dân và quân trang, phương tiện, máy móc từ Thủ đô Hà Nội trở lại “Thủ đô gió ngàn” Việt Bắc an toàn.
Ra đi ngày hôm đó, những người lính của Trung đoàn Thủ đô lặng lẽ bí mật vượt sông Hồng rút về chiến khu phía Bắc để bắt đầu cho một cuộc chiến cam go đang ở ngay trước mặt. Nhà thơ Chính Hữu trong bài thơ “Ngày về” đã thốt lên những câu thơ mà đến hôm nay chúng ta đọc lại vẫn bồi hồi xúc động: Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa/Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng/ Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng/Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm/Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm/Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa...
Họ ra đi không chỉ đem theo cảnh tượng đau thương của Hà Nội mà còn thể hiện quyết tâm kiên cường chiến đấu để trở về giải phóng Thủ đô. “Ngày về” không chỉ là khát vọng của chàng lính trẻ Chính Hữu về ngày hòa bình cho đất nước và nhất là với thủ đô yêu dấu mà còn là khát vọng của những người ra đi kháng chiến.
Đây còn là thái độ chọn con đường của người lính trẻ – dứt khoát đứng vào đội ngũ kháng chiến của toàn dân, một thái độ mà chỉ sau đó không lâu, từ Chiến khu Việt Bắc, nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi đã khái quát trong bài thơ “Đất nước” của mình, với hình ảnh những người đã dứt áo lên đường đi chiến đấu: Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/Những phố dài xao xác hơi may/Người ra đi đầu không ngoảnh lại/Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy. Yêu lắm, nhớ Hà Nội lắm, song những người con của Hà Nội quyết “ra đi” chiến đấu và sẽ trở về giải phóng Thủ đô.
Trước tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân và dân ta trong suốt 8 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ “nếm mật năm gai, gan không núng, chí không mòn”, cả dân tộc quyết tâm chung sức đồng lòng, làm Điện Biên Phủ năm 1954 “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam. Theo Hiệp định Giơnevơ, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của quân đội Pháp.
Đề phòng âm mưu của Pháp lợi dụng thời gian này để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa, lôi kéo người di cư vào Nam, Hà Nội khẩn trương chuẩn bị cho việc tiếp quản. Công việc này đòi hỏi phải chuẩn bị chu đáo, đề phòng, cảnh giác về quân sự, sự phối hợp giữa các lực lượng chính trị và vũ trang, giữa lực lượng kháng chiến ở ngoài và lực lượng kháng chiến trong thành phố, giữa Thủ đô với cả nước.
Vì vậy, Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng cử đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Tố Hữu trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo công tác tiếp quản Thủ đô. Ngày 17/9/1954, Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội được thành lập để tiếp quản và quản lý thành phố. Ngày 30/9/1954, ta và Pháp ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về quân sự; ngày 2/10, ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về hành chính. Theo đó, nguyên tắc chuyển giao là đảm bảo trật tự, an toàn, không được phá hoại và không làm gián đoạn các hoạt động của thành phố, đời sống của nhân dân.
Theo các văn bản đã được ký kết, từ ngày 2 đến 5/10/1954, các đội hành chính, trật tự của ta vào thành phố, chuẩn bị tiếp quản các cơ quan, công sở, các công trình công cộng. 422 cán bộ, nhân viên đội hành chính và 158 công an có vũ trang của đội trật tự đã kiểm tra và giải quyết các công việc chuẩn bị nhận bàn giao từ phía Pháp và tay sai, lập xong các biên bản để bàn giao vào ngày 7/10/1954.
Đến 16 giờ ngày 9/10/1954, những tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, quân dân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm có bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới… chia làm nhiều cánh lớn mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Hai mươi vạn nhân dân Thủ đô hân hoan chào đón đoàn quân chiến thắng trở về, trong đó có những người lính “ra đi đầu không ngoảnh lại” trở về giải phóng Thủ đô thân yêu.
15 giờ ngày 10/10/1954, hàng vạn nhân dân Thủ đô Hà Nội dự lễ chào cờ long trọng do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức. Cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính. Cả Hà Nội tưng bừng hân hoan trong niềm vui giải phóng, tự hào về sức mạnh toàn dân kháng chiến, lòng biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu. Chứng kiến Thủ đô được giải phóng, Nhà thơ Tố Hữu đã xúc động: “Giữa Thủ đô/Cụ Hồ về/Bộ đội/Tiến vào năm cửa ô/Về đến đây rồi, Hà Nội ơi/Người đi kháng chiến tám năm trời/Hôm nay về lại đây Hà Nội/Ràn rụa vui lên ướt mắt cười”.
Chia sẻ những ký ức về Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 nói: “Với tất cả mọi người đó là Ngày Giải phóng Thủ đô, nhưng đối với chúng tôi thì đó là Ngày về lịch sử”. Ngày giải phóng Thủ đô diễn ra đúng như nhạc sĩ Văn Cao đã tưởng tượng và sáng tác ca khúc “Tiến về Hà Nội” từ năm 1949: Trùng trùng quân đi như sóng/Lớp lớp đoàn quân tiến về/Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng/Cờ ngày nào tung bay trên phố/Trùng trùng say trong câu hát/Lấp lánh lưỡi lê sáng ngời/Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về/Cả cuộc đời tươi vui về đây/ Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về… Ngày giải phóng Thủ đô đã diễn ra như ngày hội. Không phải đánh vào Hà Nội mà vẫn giải phóng Hà Nội, đó là kết quả của sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Hồ Chủ tịch, tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sự hy sinh chiến đấu của toàn dân suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ để “làm một Điện Biên” và “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.
Ngày 10/10/1954, ngày Hà Nội sạch bóng quân thù. Trong thư gửi đồng bào Hà Nội sau Ngày giải phóng Thủ đô, Bác viết: “Tám năm qua, Chính phủ đã phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhưng lòng Chính phủ luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ ta lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết”.
Hà Nội được giải phóng không chỉ là niềm vui mừng của người dân Thủ đô mà còn là một sự kiện lịch sử, một ngày hội lớn của nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Các nước trong phe xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới cũng phấn khởi, cùng chia vui, đưa tin và giới thiệu về sự kiện lịch sử đó.
Ngày này cũng trở thành mốc son trong lịch sử xây dựng và phát triển của Thủ đô và đất nước, đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra thời kỳ phát triển mới hết sức vẻ vang trong lịch sử Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội. Thủ đô Hà Nội hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân, nhân dân lao động làm chủ vận mệnh của mình, phấn khởi bắt tay vào xây dựng xã hội mới, trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc, cổ vũ và tiếp thêm sức mạnh cho nhân dân miền Nam tiếp tục đấu tranh và giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hơn 20 năm sau đó.
Năm 1975, với đại thắng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Nam – Bắc thu về một mối, Hà Nội tiếp tục đón những người con ưu tú nhất của mình trở về, tiếp tục xây dựng đất nước. Từ đây, hào khí Thăng Long ngàn năm văn hiến được kế thừa phát huy lên tầm cao mới bằng những quyết sách chiến lược đưa nước ta từng bước vươn lên khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế, trở thành Thành phố vì hòa bình, không chỉ thu hút sự trở về của kiều bào ở nước ngoài về xây dựng đất nước mà còn là địa chỉ “vàng” của các nhà đầu tư quốc tế đến với “Trái tim Việt Nam”.
66 năm đã trôi qua, kể từ khi Hà Nội hân hoan đón chào đoàn quân chiến thắng trở về, Thủ đô Hà Nội đã nỗ lực vươn mình đổi thay, hội nhập và phát triển. Từ tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của toàn thể đồng bào, chiến sỹ đứng lên đánh giặc cứu nước; một “Việt Bắc – Thủ đô gió ngàn”, nơi nuôi chí bền gan chiến đấu của cả dân tộc, cùng quyết tâm chiến đấu hy sinh với biết bao gian nan, máu, xương đã đổ xuống “Chín năm làm một Điện Biên” là sự chuẩn bị trở về giải phóng Thủ đô thân yêu của mình.
Thủ đô Hà Nội hôm nay đã thay đổi rất nhiều, bên cạnh những nét cổ kính xưa, Hà Nội đã mang dáng dấp của một đô thị hiện đại với những toà cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, nhiều khu đô thị mới nối tiếp nhau mọc lên. Kinh tế Thủ đô phát triển với tốc độ nhanh, tập trung vào các ngành mũi nhọn như: Công nghiệp, du lịch, thương mại và dịch vụ. Nhiều khu công nghiệp và khu chế xuất được xây dựng, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong quá trình phát triển, Hà Nội không ngừng mở rộng địa giới hành chính. Ngày 29/5/2008, tại kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 15/2008/QH12 “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”. Đây là quyết định mang ý nghĩa lịch sử, thể hiện tầm nhìn chiến lược, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô Hà Nội – trái tim của cả nước.
Một thập niên không phải là dài so với lịch sử phát triển của Thủ đô và đất nước, nhưng đây là một giai đoạn đặc biệt quan trọng tạo dựng thế và lực mới cho Thăng Long – Hà Nội cùng cả nước tiến bước mạnh mẽ, tự tin trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nhìn lại chặng đường đã qua với những miệt mài vượt khó, càng thêm hiểu và trân quý những thành tựu toàn diện của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã đạt được; để từ đó càng tự vun đắp niềm tin, thêm tự hào về hào khí Thăng Long nghìn năm văn hiến.
Niềm tin yêu đang tạo thêm thế và lực mới, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho Đảng bộ và nhân dân Thủ đô phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm làm nên nhiều thành tựu trên chặng đường phát triển mới, xây dựng Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng là Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì hòa bình. Hà Nội đang đẹp lên mỗi ngày – vẻ đẹp của niềm tin tỏa sáng tầm cao mới./.
Thượng tá Kiều Văn Vang (Trường Sĩ quan Lục quân 1)
Thông tin tại hội nghị 21 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 21/1, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt mức 511.928 tỷ đồng, trở thành địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.