Hà Nội: Nghề may Trạch Xá vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Địa phương
07:07 AM 27/02/2024

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành quyết định ghi danh thêm 26 di sản vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đợt này. Trong đó, Hà Nội có số lượng nhiều nhất với 5 di sản.

Tại Hà Nội có 5 di sản được công nhận gồm: Nghề may Trạch Xá, xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa. Lễ hội làng Keo, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm. Lễ hội đình Tường Phiêu, xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ. Hội diều làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng và lễ hội chùa Thầy, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai.

Hà Nội: Nghề may Trạch Xá vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia- Ảnh 1.

Các thế hệ làng nghề Trạch Xá vẫn miệt mài gìn giữ lối cắt may truyền thống. Ảnh: Hà Nội mới

Nói về nghề may Trạch Xá, trước năm 1980, nghề may áo dài truyền thống ở Trạch Xá phát triển mạnh mẽ. Chiếc áo dài truyền thống của người Trạch Xá bao giờ cũng mềm mại hơn, tha thướt và thực sự quyến rũ, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Nói về kỹ thuật may áo, các cụ cao niên cho biết: Đã là người dân làng Trạch Xá, dù có làm nghề hay không ai cũng thuộc nằm lòng kĩ thuật “Trong dán hồ, ngoài phô trứng nhện” nghĩa là phải khâu đường tà sao cho mũi kim chỉ tròn nhỏ xíu như trứng con nhện, thậm chí dùng mũi chỉ trắng khâu đường tà cho áo màu đen cũng không được nhìn thấy. Các chất liệu vải may áo dài ở Trạch Xá chủ yếu dùng là lụa Hà Đông, gấm...

Năm 2004, làng Trạch Xá được UBND tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội) công nhận là “Làng may áo dài truyền thống”. Trong làng, có rất nhiều thợ giỏi được công nhận là nghệ nhân. Sản phẩm của làng Trạch Xá đã tham dự nhiều hội chợ làng nghề của Hà Nội. Hiện, Trạch Xá không chỉ là một làng nghề truyền thống mà còn là địa điểm văn hóa thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Ngoài TP Hà Nội, các tỉnh, thành phố khác cũng có những di sản được công nhận. Bao gồm Nghệ thuật chèo (tỉnh Phú Thọ) và Mo Mường (tỉnh Đắk Lắk). Lễ hội cầu mưa của người Thái trắng, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La). Lễ cúng thần rừng (Yang Brê) của người Mạ, TP Gia Nghĩa và huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông). Lễ hội Cầu ngư làng Cam Lâm, Xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) và Lễ hội đua thuyền xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi)

Tại Hà Giang có 2 di sản là Hát Páo dung của người Dao tỉnh Hà Giang và lễ cầu mùa mí (Mí nhung hơi) của người Pà Thẻn, xã Tân lập, huyện Bắc Quang, Hà Giang.

Tỉnh Thái Nguyên có 3 di sản gồm: Hát Ví của người Tày huyện Định Hóa; Nghệ thuật may, thêu trang phục của người dao xã Hợp Tiếp, huyện Đồng Hỷ và Chữ Nôm của người Dao.

Các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng được vinh danh bởi Lễ hội Đom Lơng Néak Tà của người Khmer (tỉnh Trà Vinh). Tỉnh Vĩnh Long có 2 di sản được công nhận đợt này gồm: Nghệ thuật Hát Bội và Lễ hội Văn Thánh miếu.

Nghề làm bột gạo Sa Đéc, xã Tân Phú Đông và phường 2, TP Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) cũng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đợt này. Nghề đã hình thành và phát triển trên 100 năm, đến nay, Sa Đéc có trên 350 hộ sản xuất bột, với 2.000 lao động tham gia hoạt động sản xuất và sản phẩm sau bột.

Những sản phẩm sản xuất sau bột như: Hủ tiếu, bánh canh, nui, phở, bún, bánh tằm, ống hút, các thực phẩm khác chế biến từ bột đã được tiêu thụ tốt ở trong nước và xuất khẩu.

Tại Quảng Nam, có 2 nghề thủ công truyền thống được công nhận. Đó là Nghề đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp và Nghề làm nhà tre, dừa ở Cẩm Thanh, xã Cẩm Thanh, đều ở thành phố Hội An.

Trong đó, đan võng ngô đồng vẫn là một nghề độc đáo của Hội An, được thiết kế vào các tour du lịch và sản phẩm du lịch đặc trưng. Người thợ đan võng được mời ra phố đan trình diễn và đi giới thiệu nghề cho công chúng.

Còn nghề làm nhà tre, dừa nước đã tạo công ăn việc làm cho người lao động và xóa đói, giảm nghèo tại địa phương, góp phần thiết thực cho sự bền vững để phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều sản phẩm đa dạng, đáp ứng được nhu cầu khách hàng nên việc tiêu thụ sản phẩm ngày càng tốt hơn.

Ngoài ra còn có các nghề thủ công truyền thống khác được công nhận đợt này như: Nghề dệt của người Thu Lao huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai); Nghề làm đường thốt nốt của người Khmer huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên (tỉnh An Giang); Nghề dệt thổ cẩm của người Xtiêng (tỉnh Bình Phước); Nghề làm bánh tráng Tuý Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng).

Ngô Huy
Ý kiến của bạn
Hôm nay, hai sân bay lớn nhất nước dự kiến đón khoảng 200.000 lượt khách Hôm nay, hai sân bay lớn nhất nước dự kiến đón khoảng 200.000 lượt khách

Trong ngày hôm nay (1/5), ngày cuối của dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, theo thống kê của Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất, hai sân bay lớn nhất cả nước dự kiến đón khoảng hơn 200.000 lượt hành khách thông qua cảng.