Hà Nội nghiên cứu cho thuê kinh doanh gần 900 vỉa hè
Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức khảo sát 273 tuyến đường với 468 đoạn và 899 hè phố để tổ chức cho thuê vỉa hè dự kiến từ quý I/2025.
Sở Xây dựng Hà Nội đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan về Đề án quản lý, khai thác, sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn.
Đề án tập trung vào việc quản lý, khai thác hè phố. Hà Nội xác định nguyên tắc xây dựng Đề án là lòng đường và hè phố được sử dụng cho mục đích chính là giao thông. Các hè phố được dự kiến cho thuê nằm ở tuyến phố đủ điều kiện sử dụng một phần hè phố để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ, để kinh doanh, phát triển kinh tế đô thị, du lịch, kinh tế đêm.
Dựa trên đề xuất của 17 quận, huyện, thị xã, Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) cùng các chuyên gia tư vấn đã khảo sát 273 tuyến, với 468 đoạn tuyến và 899 hè phố. Kết quả, trên 90% tuyến phố kinh doanh nhà hàng ăn uống, buôn bán nhỏ lẻ; khoảng 94% hè phố được khảo sát bị lấn chiếm; chỉ 24% hè có đường dành cho người khuyết tật.
Sau khảo sát, Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra 6 tiêu chí sử dụng hè phố để kinh doanh.
Đầu tiên hè phố phải có rộng tối thiểu 3 m trở lên để đáp ứng cho người đi bộ, bố trí hạ tầng kỹ thuật, một phần để kinh doanh và trông giữ phương tiện (trừ khu phố cổ cho phép hè phố có chiều rộng nhỏ hơn 3 m).
Các tiêu chí khác gồm: hè phố đủ điều kiện để kinh doanh cần bảo đảm cho nhu cầu đỗ xe của khách. Đối với vỉa hè có bề rộng lớn hơn 4m mà không tổ chức kinh doanh, UBND cấp huyện có thể cấp phép trông giữ xe máy tùy nhu cầu từng khu vực, đảm bảo không lấn chiếm vỉa hè dành cho người đi bộ (tối thiểu 1,5 m).
UBND cấp huyện cần lấy ý kiến các hộ dân thuộc biển số nhà thuộc khu vực cấp phép kinh doanh để đạt được sự đồng thuận và ưu tiên cho người đã kinh doanh ở vị trí đó. Thời hạn cấp phép là 6 tháng hay một năm. Thời gian kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế tại tuyến phố và đảm bảo an ninh trật tự, giao thông thông suốt.
Riêng việc trông giữ phương tiện dưới lòng đường, ngày 16/12 thành phố đã phê duyệt 234 tuyến phố được phép thực hiện (191 tuyến đường mới được bổ sung và 43 tuyến được cấp phép từ trước).
Phí sử dụng tạm thời một phần hè phố để trông giữ phương tiện hoặc kinh doanh được xác định theo Nghị quyết số 6 ngày 7/7/2020 của HĐND thành phố, từ 20.000 đến 40.000 đồng/m2/tháng.
Đề án cũng đặt vấn đề kiến nghị HĐND thành phố xem xét, quyết định điều chỉnh về mức phí khai thác, sử dụng lòng đường, hè phố ngoài mục đích giao thông.
Việc xây dựng Đề án quản lý, khai thác, sử dụng lòng đường, hè phố nhằm thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo TP Hà Nội về thí điểm cho thuê mặt bằng ở những tuyến phố có đủ điều kiện hạ tầng từ đầu năm 2023.
Minh An (t/h)Với chủ đề “Việt Nam tôi đó”, WeChoice Awards 2024 tiếp tục hành trình truyền cảm hứng, lan toả điều tích cực, vinh danh những câu chuyện, con người tử tế ở khắp mọi miền đất nước.