Hà Nội: Nguồn cung căn hộ tăng 15 lần
Theo FERRI, thị trường căn hộ tại Hà Nội trong nửa đầu năm tăng trưởng tích cực khi nguồn cung tăng mạnh, tỷ lệ hấp thụ cải thiện, giá bán tăng ở hầu hết các phân khúc.
Tại sự kiện Công bố báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 và dự báo thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm, chủ đề “Khúc giao mùa”, Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (Dat Xanh Services - FERI) cho biết, tại Hà Nội, thị trường căn hộ ghi nhận sự bùng nổ về nguồn cung khi tăng gấp 15 lần (so với cùng kỳ năm 2023), đạt khoảng 7.525 căn.
Tỷ lệ hấp thụ cũng tăng mạnh, đạt trung bình 65% - 70% rổ hàng mới, tức tăng khoảng 4,5 lần, so với mức tỷ lệ hấp thụ khoảng 15% của cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, giá bán căn hộ cũng tăng ở hầu hết các phân khúc, đồng thời có xu hướng tăng ở hầu hết các phân khúc. Cụ thể, căn hộ hạng C ghi nhận mức tăng giá cao nhất, lên tới 20% - 30% so với cùng kỳ năm trước.
"Từ diễn biến tăng trưởng ở nửa đầu năm, đây là thời điểm lý tưởng để các nhà đầu tư và người mua nhà tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường căn hộ Hà Nội, bởi với xu hướng tăng giá và tỷ lệ hấp thụ cao, thị trường căn hộ hứa hẹn sẽ mang lại lợi nhuận hấp dẫn…" - báo cáo của FERI khuyến nghị.
Trong nửa cuối năm 2024, thị trường bất động sản nhà ở Hà Nội sẽ đón nhận thêm một lượng lớn sản phẩm mới. Hà Nội và các tỉnh lân cận cũng sẽ có thêm khoảng 5.944 sản phẩm mới, nâng tổng cung sơ cấp lên 18.875 sản phẩm.
Tại các tỉnh thành khác trên cả nước cũng đón nhận nguồn cung mới. Cụ thể tại khu vực TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, nguồn cung mới tại khu vực này dự kiến đạt 7.411 sản phẩm, nâng tổng cung sơ cấp lên 30.232 sản phẩm. Miền Trung và miền Tây cũng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể về nguồn cung, lần lượt là 3.043 và 603 sản phẩm.
Dự báo thị trường ở nửa cuối năm, FERI cho rằng thị trường cả nước cải thiện đáng kể, nhưng do mức độ tăng trưởng và tỷ lệ hấp thụ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tạo lên ba kịch bản khác nhau cho thị trường.
Theo đó, với kịch bản lý tưởng, nguồn cung mới tăng mạnh 35 - 40%, lãi suất thả nổi duy trì ở mức 9 - 11%, giá bán tăng 10 - 15% và tỷ lệ hấp thụ đạt 40 - 45%. Đây là kịch bản lạc quan nhất, kỳ vọng vào sự phục hồi sớm của thị trường.
Với kịch bản kỳ vọng, nguồn cung mới tăng 25 - 30%, lãi suất thả nổi ở mức 9 - 11%, giá bán tăng 5 - 8% và tỷ lệ hấp thụ đạt 30 - 35%. Đây là kịch bản khả thi nhất, phản ánh sự tăng trưởng được cải thiện tích cực hơn của thị trường.
Còn với kịch bản thách thức, nguồn cung mới tăng 15 - 25%, lãi suất thả nổi lên tới 10 - 12%, giá bán tăng 3 - 5% và tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 20 - 25%. Đây là kịch bản cẩn trọng nhất, là chỉ dấu của việc thị trường đi vào chu kỳ hồi phục chậm.
An MaiSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.