Hà Nội: Nhà ở xã hội cũ bất ngờ tăng giá
Hiện giá nhiều dự án nhà ở xã hội đã qua sử dụng cả trên dưới 1 thập kỷ tại Hà Nội đã tăng gấp 3, 4 lần so với lúc mở bán và ngang ngửa giá nhà ở thương mại khiến người mua lo lắng.
Báo cáo thị trường mới đây của Savills cũng cho biết, Hà Nội không có nguồn cung căn hộ mới giá dưới 45 triệu đồng/m2 vào quý II. Kể từ năm 2020, phân khúc căn hộ bình dân (hạng C) đã giảm 45% mỗi năm. Trong tương lai, phân khúc này dự kiến chỉ đóng góp 25% nguồn cung mới.
Đây chính là lý do khiến phân khúc nhà ở xã hội cũng trở thành "miếng bánh" cho không ít nhà đầu tư, môi giới khai thác. Giá nhà ở xã hội tại nhiều khu vực ở Hà Nội do đó đã tăng "chóng mặt".
Đơn cử, dự án nhà ở xã hội Ecohome (quận Bắc Từ Liêm) được bàn giao từ năm 2020, giá bán từ chủ đầu tư khoảng 16,5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đến nay nhiều căn được rao bán lại với mức giá dao động 40 - 43 triệu đồng/m2, tăng gần gấp 3 lần so với trước.
Nhà ở xã hội tại khu đô thị Đặng Xá (huyện Gia Lâm) được mở bán khoảng 2014 - 2015 với giá khoảng 13 triệu đồng/m2. Nhưng đến nay, sau khoảng 10 năm, giá lên mức 40 triệu đồng/m2, tăng hơn 3 lần.
Dự án Rice City Sông Hồng (quận Long Biên) được mở bán vào năm 2018 với mức giá 13 triệu đồng/m2 nhưng đến nay giá bán thứ cấp được đẩy lên 39 - 42 triệu đồng/m2.
Tương tự, dự án nhà ở xã hội tại Đại Kim (quận Hoàng Mai) được mở bán từ năm 2016 với giá 14 triệu đồng/m2. Nhưng đến nay giá tăng gần gấp ba lần, lên mức 32 - 35 triệu đồng/m2.
Theo một số chuyên gia, thị trường đang tồn tại nghịch lý: Mặt bằng giá nhà ở xã hội đã "dùng lướt", qua sử dụng trên dưới 1 thập kỷ lại tăng rất mạnh, được chào bán ngang ngửa với mức giao dịch loại nhà chung cư phân khúc trung cấp, cao cấp ở thời điểm cách đây khoảng 10 năm.
Nhìn lại 1 thập kỷ qua, nhiều nhà đầu tư, chuyên gia, người dân không khỏi ngỡ ngàng vì chỉ mới 10 năm trước, với tầm tiền 40 - 60 triệu đồng/m2, có thể sở hữu chung cư phân khúc trung cấp - cao cấp.
Vì sao nhà ở xã hội, vốn bị định kiến là dành cho tầng lớp thu nhập thấp, chất lượng cũng "bình dân", chưa kể đến yếu tố nhà đã cũ lại có giá bán tăng đến phí lý như vậy?
Theo chuyên gia của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, tình trạng lệch pha cung cầu: Thừa nhà cao cấp, thiếu nhà bình dân kéo dài hàng chục năm qua là nguyên nhân đầu tiên. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở bình dân cao thì nguồn cung lại rất thấp, dẫn đến khan hàng. Nhưng nhu cầu nhà ở của người dân vẫn không ngừng gia tăng. Cầu lớn hơn cung quá nhiều dẫn đến giá nhà tăng mạnh là chắc chắn. Chưa kể đến các chiêu trò thao túng, đẩy giá bất động sản ngày càng tinh vi hơn.
Một yếu tố khác cần kể đến là đại dịch COVID-19 gây xáo trộn nền kinh tế, đời sống xã hội phạm vi toàn cầu, vận động của dòng tiền trong nền kinh tế bị thay đổi, dồn nén mạnh. Thiếu kênh đầu tư tiềm năng, dòng tiền chảy dồn dập vào thị trường bất động sản khiến giá nhà, đất liên tục thiết lập mặt bằng mới, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM...
Khi giá đất tăng mạnh sẽ tác động khiến giá căn hộ chung cư dù cũ hay mới đều tăng. Hiện, giá đất đã tăng nhiều so với cách đây 5 năm; giá xây dựng cũng tăng mạnh nên giá thành căn hộ chắc chắn phải cao hơn trước.
Minh AnSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.