Hà Nội nhập siêu 19,8 tỷ USD trong 10 tháng

Xuất nhập khẩu
10:09 AM 02/11/2022

Tính đến hết tháng 10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt 47,8 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 14 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 33,8 tỷ USD.

Theo Cục Thống kê TP. Hà Nội, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10/2022 của thành phố ước tính đạt 3.265 triệu USD, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, khu vực kinh tế trong nước đạt 2.633 triệu USD, tăng 1,5% và tăng 18,8%; Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 632 triệu USD, tăng 1,7% và tăng 1,2%.

Tính chung 10 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 33,8 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 27,4 tỷ USD, tăng 25,5%; Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 6,4 tỷ USD, tăng 4,6%.

Hà Nội nhập siêu 19,8 tỷ USD trong 10 tháng - Ảnh 1.

Ảnh: Tổng cục Thống kê Hà Nội

Một số nhóm hàng có giá trị nhập khẩu lớn như: Máy móc thiết bị, phụ tùng đạt 5.352 triệu USD, giảm 3,5%; Xăng dầu đạt 4.464 triệu USD, gấp 3,1 lần cùng kỳ; Máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 2.504 triệu USD, tăng 19,6%; Phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 2.156 triệu USD, giảm 0,2%; Sắt thép đạt 1.655 triệu USD, tăng 30,9%; Chất dẻo đạt 1.255 triệu USD, tăng 4,1%; Sản phẩm hóa chất đạt 1.039 triệu USD, giảm 4,7%; Hàng hóa khác đạt 10.676 triệu USD, tăng 21,2%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 10/2022 của Hà Nội ước tính đạt 1.368 triệu USD, tăng 4,7% so với tháng trước và giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Nội ước tính đạt 14 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,4 tỷ USD, tăng 10,3%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 6,6 tỷ USD, tăng 17,7%.

Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn 10 tháng tăng so với cùng kỳ như: Hàng dệt, may đạt 2.152 triệu USD, tăng 21,6%; Máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 1.998 triệu USD, tăng 22%; Máy móc, thiết bị phụ tùng đạt 1.661 triệu USD, tăng 1,7%; Xăng dầu đạt 996 triệu USD, tăng 88,5%; Gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 717 triệu USD, tăng 19,4%; Hàng nông sản đạt 711 triệu USD, tăng 15,3%; hàng hóa khác đạt 3.538 triệu USD, tăng 9,7%.

Như vậy, tính đến hết tháng 10, Hà Nội đã nhập siêu 19,8 tỷ USD. 

Với kết quả đạt được như trên, UBND thành phố Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2023 trên địa bàn thành phố tăng 6-8% so với thực hiện năm 2022.

Để hoàn thành chỉ tiêu này, UBND thành phố sẽ triển khai thực hiện các nhóm giải pháp chủ yếu gồm: Nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhà sản xuất có khả năng thích ứng tốt nhất trong hoàn cảnh mới; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Xây dựng chính sách đẩy mạnh xuất khẩu… đặc biệt nâng cao các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phù hợp với hoàn cảnh mới; xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan trung ương trên địa bàn; Tiếp tục thực hiện kết nối cung - cầu lao động để tạo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu...

Để tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, từ 19 - 24/9/2022, Cục Hải quan Hà Nội đã tiến hành đo thời gian giải phóng hàng tại 3 chi cục hải quan gồm: Chi cục Hải quan Hòa Lạc; Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và Chi cục Hải quan Bắc Thăng Long.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Nhìn lại 2024 và triển vọng 2025 Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Nhìn lại 2024 và triển vọng 2025

Tại Tọa đàm “Kinh tế vĩ mô Việt Nam nhìn lại 2024 và triển vọng 2025” ngày 3/1, các chuyên gia cho rằng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 đã có sức bật mạnh mẽ. Năm 2025, sẽ vượt qua thách thức toàn cầu, triển vọng về một nền kinh tế vững mạnh và bền vững trong tương lai.