Hà Nội: Nhiều cách làm hay, mới lạ góp phần giúp nông sản trở thành “thương phẩm” giá trị cao

Kinh doanh
08:57 AM 03/08/2022

Gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn TP Hà Nội đã chủ động tiếp cận thị trường quảng bá, tiêu thụ nông sản qua các hội thị... Đây đang là những cách làm hay, mới, góp phần giúp nông sản trở thành “thương phẩm” giá trị cao.

Gần nhất, tại xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây), địa danh nổi tiếng với những vườn mít cổ thụ có từ gần trăm năm nay đã diễn ra "Hội thi trái mít ngon, an toàn lần thứ 4".

Theo người dân địa phương, đã có thời kỳ, mít không có giá trị kinh tế như cây trồng khác nên nhiều hộ dân chặt bỏ hoặc chỉ giữ lại mít với mục đích khai thác gỗ. Tuy nhiên, từ khi có Hội thi trái mít ngon, an toàn, đầu ra của sản phẩm này đã ổn định, được thị trường đón nhận.

Hà Nội: Nhiều cách làm hay, mới lạ góp phần giúp nông sản trở trở thành “thương phẩm” giá trị cao - Ảnh 1.

Hội thi trái mít ngon lần thứ 4 xã Sơn Đông (Thị xã Sơn Tây).

Theo đó, hội thi đã được tổ chức thành công qua 3 năm 2018, 2019 và 2020, năm nay là năm thứ 4 được tổ chức, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, du khách tham dự, tạo được nhiều ấn tượng tốt. Mít khi đoạt giải sẽ được giữ lại hạt để nhân giống. Cây mít có chất lượng quả tốt trong hội thi cũng được thương lái tìm về tận nhà để thu mua quả.

Với nông dân địa phương, mỗi cây mít trung bình thu được 3-5 triệu đồng/năm; thậm chí có cây cho thu hàng chục triệu đồng.

Đáng chú ý, bên cạnh việc nâng giá trị, tìm đầu ra ổn định cho nông sản, thị xã Sơn Tây cũng đã có những quy hoạch vùng trồng mít tập trung với mục tiêu tạo vùng nguyên liệu sạch cho nhà máy chế biến hoa quả trong tương lai không xa.

Tương tự, tại Phú Xuyên vừa qua đã tổ chức "Festival Nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội năm 2022". Festival được tổ chức với quy mô 220 gian hàng, trong đó 160 gian hàng làng nghề truyền thống và ẩm thực của huyện; 40 gian hàng doanh nghiệp và làng nghề của nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội; 20 gian hàng của các tỉnh bạn.

Hà Nội: Nhiều cách làm hay, mới lạ góp phần giúp nông sản trở trở thành “thương phẩm” giá trị cao - Ảnh 2.

Festival Nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội năm 2022 do huyện Phú Xuyên tổ chức góp phần giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp.

Sự kiện đã góp phần quảng bá sâu rộng thương hiệu, sản phẩm, mô hình nông nghiệp gắn kết du lịch đến khách tham quan, người tiêu dùng. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, bảo tồn làng nghề truyền thống, đa dạng hóa sản phẩm OCOP gắn với du lịch địa phương.

Cùng với việc tổ chức hội thi mít như ở xã Sơn Đông, hay Festival nông sản như ở Phú Xuyên, công tác quảng bá nông sản cũng được các hợp tác xã chủ động và tìm hướng thực hiện.

Tại HTX nông nghiệp Khánh Phong (huyện Mê Linh), để đảm bảo đầu ta cũng như nâng tầm cho các sản phẩm hữu cơ chủ lực là ổi, táo, đu đủ, bưởi và kết hợp chăn nuôi, HTX đã chủ động tạo mã truy xuất nguồn gốc - tạo thuận lợi trong việc quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng.

HTX cũng chủ động tham gia chương trình OCOP. Trong năm 2020, HTX nông nghiệp Khánh Phong đã có nhiều sản phẩm đạt sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao của huyện Mê Linh và được Phòng Kinh tế huyện Mê Linh đánh giá cao về chất lượng. Cùng với việc tiêu thụ cây ăn quả tại các kênh thương mại truyền thống, HTX cũng chú trọng đẩy mạnh bán hàng trực tuyến (online), trên mạng xã hội như Facebook, Zalo... đưa nông sản lên "Chợ thương mại điện tử" của Thành phố.

Nhờ sự chủ động này, đến nay, các sản phẩm của HTX đã có mặt tại nhiều hệ thống cửa hàng thực phẩm tại nhiều tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nếu nông sản làm ra đơn thuần thì mới chỉ là sản phẩm trên đồng, trong vườn, dưới ao với giá trị tạo ra thấp. Để những sản phẩm này trở thành thương phẩm, nghĩa là sản phẩm có thể đến được thị trường một cách thông suốt, nhờ đáp ứng những chuẩn mực của thị trường với mức giá cạnh tranh, chi phí sản xuất tối ưu, thì sản xuất nông nghiệp mới thông suốt, thoát khỏi cảnh được mùa, mất giá, mới đem lại lợi ích kinh tế cao cho nông dân.

Tại Hà Nội, để nâng cao hiệu quả sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi đặc sản, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã phối hợp với các địa phương chọn một số loại đặc sản tiêu biểu, xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn mới trên địa bàn. Chẳng hạn như thị xã Sơn Tây, địa phương hiện đang chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh và ứng dụng khoa học - công nghệ, mang lại giá trị kinh tế cao, qua đó hình thành các mô hình liên kết chuỗi. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá để có đầu ra ổn định cho các sản phẩm.

Để hỗ trợ quảng bá tiêu thụ các sản phẩm OCOP, thị xã Sơn Tây đã lựa chọn 3 điểm giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn tại các địa điểm: Khu vực Đền Và - phường Trung Hưng; khu vực chùa Khai Nguyên - xã Sơn Đông và khu vực cổng làng Mông Phụ - xã Đường Lâm.

Thông qua điểm bán và giới thiệu sản phẩm, các sản phẩm OCOP của Hà Nội nói chung và thị xã Sơn Tây nói riêng sẽ tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng, làm cơ sở để các hợp tác xã, các doanh nghiệp, các đơn vị và bà con nông dân tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Nhờ sự chủ động này, các sản phẩm như: Mật ong Kim Sơn (chủ thể sản xuất là Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Kim Sơn, xã Kim Sơn); giò bò (Cơ sở giò chả Thành Quế, phường Quang Trung ); kẹo lạc, kẹo dồi, kẹo vừng trắng, kẹo vừng đen, kẹo gạo lứt (Cơ sở bánh kẹo truyền thống Hiền Bao, xã Đường Lâm); trà hoa cúc, khoai viên thực dưỡng, mật ong đông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo đại toàn bổ dưỡng tửu (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nông thủy sản Thuần Việt, xã Sơn Đông); bánh tẻ Phú Nhi (phường Phú Thịnh)... đã được đông đảo người tiêu dùng biết đến.

Quang Lộc
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Sẵn sàng cho Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 Hà Nội: Sẵn sàng cho Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024

Hưởng ứng và triển khai các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 tại Hà Nội.