Hà Nội: Nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch xây dựng nông thôn mới

Địa phương
09:21 AM 24/04/2023

Chương trình Mục tiêu Xây dựng Nông thôn mới Thủ đô có 33 chỉ tiêu, trong đó 23/33 chỉ tiêu vượt kế hoạch, hoàn thành kế hoạch hoặc bảo đảm lộ trình đạt kế hoạch. Điển hình có 8 chỉ tiêu đã vượt kế hoạch giai đoạn 2021-2022 và hoàn thành so với mục tiêu của chương trình năm 2025.

Sáng 21/4, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU, ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" (Chương trình số 04) tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ.

Báo cáo kết quả nửa nhiệm kỳ qua cho thấy, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, song bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy, việc thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU, giai đoạn 2021-2025, đã bảo đảm lộ trình.

Hà Nội: Nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo TP. Hà Nội, Sở NN&PTNT Hà Nội... tham quan gian hàng trưng bày tại hội nghị. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Đến năm 2022, đã có 23/33 chỉ tiêu vượt, hoàn thành hoặc bảo đảm lộ trình kế hoạch. Cụ thể,  có 8 chỉ tiêu đã vượt kế hoạch giai đoạn 2021-2022 và hoàn thành so với mục tiêu của chương trình năm 2025 như: Tỷ lệ các xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ; tỷ lệ các thôn được phủ sóng di động 3G/4G/5G hoặc internet băng rộng; cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố; sản phẩm OCOP được công nhận...; 10 chỉ tiêu đạt kế hoạch; 2 chỉ tiêu cơ bản hoàn thành kế hoạch; 3 chỉ tiêu dự kiến bảo đảm lộ trình kế hoạch.

Nổi bật, Hà Nội đã có 100% xã đạt Chuẩn Nông thôn mới; 111 xã đạt Chuẩn Nông thôn mới nâng cao; 20 xã đạt Chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. 15/18 huyện đạt Chuẩn Nông thôn mới…

Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân hằng năm 3,03%, đạt và vượt so chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao (2,5-3%/năm). Cơ cấu ngành chăn nuôi giai đoạn 2020-2025 có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng chăn nuôi lợn, tăng tỷ trọng chăn nuôi gia cầm và trâu bò.

Hà Nội đã huy động được 46.778 tỷ đồng đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là một nguồn lực rất lớn giúp khu vực nông thôn hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội.

Triển khai thực hiện Chương trình số 04, bên cạnh việc đúc rút những kinh nghiệm hay, bài học quý trong công tác chỉ đạo điều hành, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém còn tồn tại. Trong số 33 chỉ tiêu Chương trình số 04 đặt ra cho cả giai đoạn, theo lộ trình thực hiện năm 2022, còn 10 chỉ tiêu chưa hoàn thành. 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, Chương trình Xây dựng Nông thôn mới là một chương trình có tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn và thời gian thực hiện lâu dài, có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc. Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế, để hoàn thành mục tiêu chương trình năm 2025, thành phố phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 100% huyện, xã đạt Chuẩn Nông thôn mới, 20% số huyện đạt Chuẩn Nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt Chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt Chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu…

Đồng thời tuyên truyền, quán triệt định hướng lớn về thực hiện chính sách “tam nông” trong giai đoạn hiện nay, đó là: “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng nông thôn mới.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện xây dựng nông thôn mới ở các cấp, các ngành, nhằm phát hiện mô hình mới, cách làm sáng tạo, để chỉ đạo phổ biến nhân rộng.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, nền nông nghiệp của Thủ đô có sự khác biệt đối với các tỉnh khác. Đó là giá trị văn hóa, bản sắc lịch sử và nhiều dấu ấn của địa danh Hà Nội trong sản phẩm... Chính điều đó đã làm nên những giá trị, thương hiệu và gia tăng giá trị cho sản phẩm.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan biểu dương kết của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đạt được trong thời gian qua và gợi mở cho Hà Nội những việc cần thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, Hà Nội đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp cung cấp lương thực thực phẩm cho cư dân đô thị, tăng gắn kết giữa đô thị và nông thôn.

Ngọc Mỹ
Ý kiến của bạn
IMF: Việt Nam thuộc nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình IMF: Việt Nam thuộc nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình

Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) đánh giá Việt Nam không còn là quốc gia thu nhập thấp đang phát triển (LIDC) và đưa vào nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình (EMMIE).