Hà Nội: Nhiều chương trình nghệ thuật kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức biểu diễn nghệ thuật tại trung tâm một số quận, huyện trên địa bàn thành phố phục vụ nhân dân Thủ đô.
Theo đó, tối 19/5, chương trình nghệ thuật “Nhớ mãi ơn Người” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức, sẽ diễn ra tại sân khấu trước Tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, khu vực đền Bà Kiệu (quận Hoàn Kiếm). Tại đây, khán giả sẽ được thưởng thức nhiều tiết mục đặc biệt ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương, đất nước được dàn dựng công phu, hấp dẫn.
Các đơn vị nghệ thuật của Hà Nội cũng tích cực chuẩn bị nhiều chương trình biểu diễn đặc sắc. Cụ thể, Nhà hát Kịch Hà Nội biểu diễn chương trình ca múa nhạc kết hợp với hài kịch tại huyện Mỹ Đức vào tối 16/5.
Nhà hát Chèo Hà Nội biểu diễn các tiết mục ca nhạc cách mạng và một số trích đoạn chèo nổi bật tại huyện Thạch Thất vào tối 17/5.
Nhà hát Cải lương Việt Nam biểu diễn tại quận Hà Đông và Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long biểu diễn tại quận Nam Từ Liêm cùng vào tối 18/5.
Cũng nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Bác, dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, Đài PTTH Hà Nội thực hiện chương trình nghệ thuật chính luận đặc biệt “Bài ca dâng Bác” được ghi hình tại những địa danh lịch sử ở Nghệ An, Cao Bằng và Hà Nội.
Chương trình nghệ thuật chính luận “Bài ca dâng Bác” sẽ đưa khán giả ngược dòng thời gian về làng Sen, theo chân Bác đi qua những năm tháng tìm đường cứu nước, đến những chuỗi ngày gian khổ nơi núi rừng Việt Bắc, và ngày trở về gắn bó với Thủ đô Hà Nội. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh 1, kênh 2 và các nền tảng số của Đài Hà Nội vào 20h ngày 17/5/2023.
Chương trình sẽ diễn ra tại các điểm cầu: Hang Cốc Bó, suối Lênin (Khu di tích Pắc Bó, tỉnh Cao Bằng), Làng Hoàng Trù (Khu di tích Kim Liên, tỉnh Nghệ An), Nhà sàn Bác (Khu di tích Phủ Chủ tịch) và Cung Hữu nghị Việt Xô (Thủ đô Hà Nội). Đây đều là những địa danh lịch sử gắn liền với những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tại mỗi điểm cầu là một câu chuyện cảm động về Bác được kể lại một cách chân thực nhất. Trong chuyến hành trình bằng âm nhạc đó, khán giả sẽ có dịp “ghé thăm” ngôi nhà ba gian, nơi cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã cất tiếng khóc chào đời tại khu di tích Kim Liên (Nghệ An); hay “dừng chân” tại hang Cốc Bó (Cao Bằng) với nhiều di vật gắn liền với giai đoạn hoạt động của Bác từ năm 1941 - 1945. Đó cũng có thể là câu chuyện xúc động về đôi dép Bác Hồ - một trong nhiều kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà sinh thời, Bác thường nói vui là “đôi hài vạn dặm”.
Xuyên suốt chương trình, âm nhạc sẽ là sợi dây kết nối và truyền tải nội dung với những ca khúc ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh như trích đoạn giao hưởng thơ “Người về đem tới ngày vui”; “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác; “Bài ca Hồ Chí Minh” (hay còn gọi là “Ballad of Hồ Chí Minh”); "Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó"; "Đôi dép Bác Hồ"...
Được đầu tư và dàn dựng công phu, “Bài ca dâng Bác” là chương trình nghệ thuật nhằm tôn vinh những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhân dân, quê hương đất nước, đối với sự nghiệp Cách mạng của Đảng và sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, đồng thời thể hiện lòng thành kính tưởng nhớ, tri ân sâu sắc của nhân dân ta đối với Người.
Thông qua đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, bồi đắp niềm tin đối với Đảng, Bác Hồ, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ngô HuyTheo thông báo mới nhất tại EU, khu vực sẽ tăng tần suất kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với sầu riêng Việt Nam từ 10% lên 20% tại biên giới.