Hà Nội: Nhiều chuyển biến tích cực trong công tác cải cách hành chính
Báo cáo kết quả công tác cải cách hành chính (CCHC) 6 tháng đầu năm 2023 của thành phố Hà Nội, đại diện Sở Nội vụ cho biết, công tác CCHC đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Thành phố Hà Nội đã có nhiều chủ trương, giải pháp, chỉ đạo cụ thể, quyết liệt nhất là triển khai các kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá cũng như sơ kết rút kinh nghiệm. Tập trung vào những cơ quan, địa phương, đơn vị được đánh giá thuộc nhóm có chỉ số thấp và có thông tin dư luận phản ánh chưa tốt.
Đã giảm 2.385 biên chế viên chức so với năm 2022
Thông tin về kết quả cải cách hành chính, đại diện UBND Thành phố Hà Nội cho biết, về cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Thành phố đã ban hành 82 văn bản liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), cải cách TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Thành phố đã thông qua phương án đơn giản hóa TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp (8 TTHC); ban hành 30 Quyết định công bố danh mục TTHC mới ban hành, TTHC được sửa đổi, bổ sung, bị bãi bỏ theo phương án ủy quyền giải quyết TTHC (bao gồm: công bố danh mục 1.104 TTHC, bãi bỏ 137 TTHC) thuộc thuộc phạm vi quản lý của các Sở và tương đương; phê duyệt 857 quy trình nội bộ giải quyết TTHC; UBND thành phố ban hành 6 quyết định phê duyệt quy chế phối hợp liên thông.
Hoàn thành rà soát chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các Sở; các Chi cục, đơn vị sự nghiệp công lập giảm từ 6 xuống còn 4 đơn vị đối với các Ban Quản lý dự án chuyên ngành; giảm 2 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp; 2 chi cục thuộc sở; 7 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở; 1 đơn vị sự nghiệp thuộc chi cục thuộc Sở.
Giảm 2.385 biên chế viên chức hưởng lương ngân sách nhà nước so với năm 2022 (đạt tỉ lệ 2%). Qua rà soát, kiện toàn, tinh giản biên chế đã góp phần thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương và Thành phố.
Đối với thực hiện các quy định về phân cấp quản lý nhà nước giữa các cấp chính quyền ở địa phương, đã thực hiện ủy quyền đối với 531/617 TTHC.
Về cải cách chế độ công vụ, công chức, các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát danh mục vị trí việc làm, bản mô tả và khung năng lực vị trí việc làm, báo cáo UBND thành phố xem xét, phê duyệt điều chỉnh vị trí việc làm phù hợp với quy định của Trung ương, thành phố; Đặc biệt, Thành phố đã tổ chức thí điểm và triển khai thi tuyển một số chức danh lãnh đạo cấp phòng và tương đương; thi tuyển chức danh lãnh đạo tại một số đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ. Kết quả có 65 chức danh có người trúng tuyển, đạt tỉ lệ 97% và sẽ tiếp tục triển khai đến hết năm 2024.
Chuyển đổi vị vị trí công tác đối với 1.154 trường hợp theo quy định phân cấp quản lý cán bộ (552 công chức, 419 viên chức, 183 công chức cấp xã); kiểm tra công vụ đột xuất 30 đơn vị (04 đơn vị cấp sở, 07 đơn vị cấp huyện, 13 đơn vị cấp xã, 1 đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện, 03 đơn vị trực thuộc Sở).
Cải cách tài chính công, thành phố tiếp tục xác định giải ngân vốn đầu tư công được coi là một trong những đòn bẩy để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Về quy định về quản lý, sử dụng tài sản công: Thành phố tiếp tục rà soát về tổng thể hiện trạng và phương án bố trí trụ sở làm việc của các Sở, Ban, ngành tham gia xử lý đối với hơn 30 cơ sở nhà đất của đơn vị, doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn thành phố; tham gia phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trên địa bàn thành phố; sắp xếp lại, xử lý xe ô tô phục vụ công tác, điều chuyển 1 xe ô tô phục vụ công tác chung, thanh lý 13 xe ô tô của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của thành phố.
UBND thành phố phê duyệt tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích chuyên dùng của 03 cơ quan, đơn vị (Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đông Anh, Sở Xây dựng) máy móc, thiết bị chuyên dùng của 2 cơ quan (Văn phòng UBND Thành phố, Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội).
Triển khai kế hoạch chuyển đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ tài chính, đã có 45/50 đơn vị ban hành kế hoạch chi tiết, đảm bảo các mục tiêu UBND TP đã giao.
Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số
Về xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, Thành phố tiếp tục tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử để làm cơ sở xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; hoàn thành việc cập nhật Kiến trúc chính quyền điện tử phiên bản mới nhất, hoàn thành việc xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung (LGSP).
Trong 6 tháng đầu năm, thành phố đã đưa vào vận hành chính thức 4 hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung quan trọng. Cùng đó, đẩy mạnh áp dụng hóa đơn điện tử, khai thuế điện tử đối với doanh nghiệp.
Việc cải thiện mức độ hài lòng của cơ quan, tổ chức, công dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp thành phố, chỉ số Hài lòng (SIPAS) năm 2022 của thành phố Hà Nội đạt 80,16%; xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố, là năm thứ 5 liên tiếp ở vị trí này.
Chỉ số Cải cách hành chính (PARINDEX) đạt 89,58%, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2021. Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đạt 43,90/80 điểm, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố, thuộc nhóm 1 (nhóm 15 tỉnh/thành phố có điểm số cao nhất). Đây là năm thứ 2 liên tiếp, Hà Nội giữ vị trí trong nhóm 1 và tiến bộ vượt bậc so với giai đoạn trước.
Để nâng cao các chỉ số cải cách hành chính, trong 6 tháng cuối năm, thành phố tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả trong công tác CCHC gắn với việc thực hiện hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin; Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện, nâng cao các chỉ số PAPI, SIPAS, PARINDEX, PCI và triển khai Kế hoạch khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính. Đồng thời, TP thực hiện rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô để khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển, phù hợp với đặc thù của Hà Nội.
Thương HuyềnCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.