Hà Nội nỗ lực bình ổn giá, đảm bảo đời sống người dân
Với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, giá nhiều loại hàng hóa đã hạ nhiệt sau khi giá xăng dầu giảm.
Nhiều mặt hàng thiết yếu đang giảm giá
Giá xăng liên tiếp giảm trong thời gian qua đã khiến giá nhiều mặt hàng thiết yếu rục rịch giảm giá. Kể từ khi Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền ký ban hành Kế hoạch số 193/KH-UBND ngày 11/7/2022, về việc thực hiện chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố năm 2022, một số mặt hàng thiết yếu đã bắt đầu giảm giá.
Đặc biệt, trong 2 tuần vừa qua tại các chợ dân sinh ở thành phố Hà Nội đã ghi nhận sự giảm giá 5 - 10% đối với các mặt hàng tươi sống. Giá thực phẩm giảm khiến những người tiêu dùng cảm thấy dễ chịu hơn.
Còn tại các siêu thị, giá một số mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, gạo, mắm muối cũng đang hạ nhiệt từ 4 - 15% so với trước.
Cụ thể, thịt tại heo tại BigC Thăng Long bắt đầu có xu hướng giảm giá. Cụ thể, ngày 29/7 giá các loại thịt heo niêm uyết như sau: Ba chỉ heo loại 1 (169.000 đồng/kg), sườn non cắt khúc (185.000 đồng/kg), sườn non (180.500 đồng/kg), thịt đùi (127.000 đồng/kg), nạc đùi heo (135.000 đồng/kg), nạc vai (163.000 đồng/kg).... Đến chiều ngày 8/8 ba chỉ heo loại 1 giảm 2.000 đồng/kg, sườn non cắt khúc giảm 3.000 đồng/kg, sườn non giữ nguyên giá, thịt đùi giảm mạnh 12.000 đồng/kg, nạc đùi heo giảm 3.000 đồng/kg, nạc vai giữ nguyên giá.
Tại siêu thị WinMart (Dịch Vọng Hậu - Cầu Giấy - Hà Nội), giá thịt lợn Meat Deli ở mức: Thịt ba rọi đặc biệt có giá 211.900 đồng/kg, bắp giò cuộn có giá 186.900 đồng/kg, móng giò có giá 111.900 đồng/kg, lưỡi heo có giá 171.900 đồng/kg, thăn chuột heo có giá 161.900 đồng/kg, sườn vai heo có giá 136.900 đồng/kg...
Hay tại Siêu thị Co.opmart Hà Đông, trong mấy ngày đầu tháng 8/2022, cà phê Trung Nguyên xay loại 500g từ 57.900 đồng/hộp xuống còn 50.000 đồng/hộp; dầu đậu nành Simply 1 lít từ 64.900 đồng giảm còn 62.500 đồng/chai; nước tương Nam Dương từ 17.600 đồng giảm còn 13.900 đồng/chai…
Hệ thống siêu thị bán lẻ BRGMart cũng đã và sẽ tiếp tục đàm phán với tất cả các chuỗi cung ứng trong nước và nhập khẩu để đưa ra mức giá phù hợp với tình hình hiện nay, hỗ trợ giá một số mặt hàng thiết yếu và thực hiện tốt công tác bình ổn giá cả thị trường.
Sở Công Thương Hà Nội hiện đang tổ chức để các doanh nghiệp đăng ký chương trình bình ổn giá từ nay đến tháng 5/2023. Mục tiêu là 35% các mặt hàng thiết yếu trên thị trường sẽ vào danh mục bình ổn giá.
Tăng cường kiểm soát giá, bình ổn thị trường
Nhiều người tiêu dùng đánh giá, mức giảm này chưa tương xứng với đà giảm của giá xăng dầu.
Tại Tọa đàm: "Xăng dầu giảm giá, hàng hóa không giảm - Thực trạng và giải pháp", bà Đinh Thị Nương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính lý giải: "Một số mặt hàng chịu ảnh hưởng giá xăng dầu, khi giá giảm thì cũng có một khoảng thời gian độ trễ để đơn vị sản xuất kinh doanh rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá, từ đó mới xác định được giá bán giảm theo giá xăng dầu".
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, độ trễ giảm giá tương ứng của các loại hàng hóa không thể kéo dài quá lâu.
"Biện pháp mạnh hiện nay và sắp tới là chúng ta phải tăng cường công tác thanh, kiểm tra và khi thanh kiểm tra phát hiện có vi phạm sẽ sử dụng những công cụ về Nghị định quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá hoặc Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực vận tải, trong đó có quy định về trách nhiệm kê khai, niêm yết để xử lý nghiêm", ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải cho nói.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tổng hợp phân tích dự báo thị trường và cập nhật kịch bản điều hành giá chi tiết và kịp thời cho những tháng còn lại trong năm để tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ các biện pháp điều hành giá và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện yêu cầu rà soát, quản lý điều hành giá trong bối cảnh mặt hàng xăng dầu đã hạ nhiệt.
Đối với các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng, dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logistics: tổ chức rà soát kê khai giá của doanh nghiệp để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng, dầu trong yếu tố hình thành giá; trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu tiền dịch vụ đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, kết cấu đưa thêm những khoản thu ngoài giá để thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết.
Đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chịu ảnh hưởng gián tiếp từ giá xăng, dầu, có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp: tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý. Chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường và xử lý các sai phạm theo quy định…
Trong thời gian tới, áp lực lạm phát vẫn phụ thuộc vào diễn biến giá nguyên, nhiên, vật liệu, đặc biệt là mặt hàng xăng, dầu hiện diễn biến khó lường, giá lương thực, thực phẩm, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, vận tải... đặt ra những thách thức cho công tác quản lý, điều hành giá. Vì vậy, cần triển khai quyết liệt các giải pháp, nắm chắc tình hình để chủ động xử lý, đảm bảo đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.
An Mai (t/h)Mới đây, một trong những nhật báo lớn nhất Ấn Độ - Times of India, đã vinh danh những bãi biển tại đảo Phú Quốc trong top 9 đẹp nhất Châu Á.