Hà Nội: Nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP

Kinh doanh
08:41 AM 15/08/2022

Theo ông Ngọ Văn Ngôn, Phó chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Tp.Hà Nội, Chương trình OCOP - “Mỗi xã một sản phẩm” ở Thủ đô từng khởi động rất sớm, từ năm 2006, chủ yếu là hàng mây tre đan, và đi tiên phong trước Quảng Ninh. Qua quá trình nỗ lực hỗ trợ các chủ thể OCOP, đến nay Hà Nội đang đề xuất các bộ ngành tháo gỡ cơ chế chính sách đồng bộ thực hiện Chương trình OCOP theo hướng hỗ trợ, đầu tư, nâng cấp chất lượng sản phẩm OCOP.

Hà Nội: Những nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thông mới Tp.Hà Nội, đến thăm gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP

Khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 phê duyệt Chương trình OCOP cả nước, Hà Nội xác định đây là chương trình có ý nghĩa rất lớn để phát triển kinh tế nông thôn, đồng thời cũng là những giải pháp trọng tâm nhằm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Theo đó, ngày 8/7/2019, Hà Nội ban hành Quyết định 3629/QĐ-UBND về Kế hoạch triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm – OCOP. Tuy về khởi điểm có chậm hơn một số tỉnh và thành phố, nhưng Chương trình OCOP ở Thủ đô phát triển rất nhanh.

Phát huy lợi thế

Trao đổi mới đây với PV Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị, ông Ngọ Văn Ngôn, Phó chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Tp.Hà Nội, cho rằng, Hà Nội là "cái nôi" đất trăm nghề với 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó thành phố vừa công nhận 318 làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó, Hà Nội còn có số lượng HTX lớn nhất cả nước với 1.090 HTX nông nghiệp đang hoạt động, 1.543 tổ hợp tác, 1.581 trang trại, và có tới 141 chuỗi liên kết sản xuất, 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao.

Với tiềm năng và lợi thế như vậy, Chương trình OCOP ở Hà Nội gặp khá nhiều thuận lợi với đa dạng nguồn sản phẩm sẵn có ở các địa phương, và các sản phẩm tinh túy của các làng nghề. Đến hết năm 2020, tức chỉ trong vòng 2 năm triển khai, Hà Nội đánh giá xếp loại được 1.054 sản phẩm OCOP, vượt so với kế hoạch của Thành phố đề ra là 1.000 sản phẩm.

Tính đến cuối tháng 7/2022, Thành phố đã có 1.649 sản phẩm OCOP, gồm 4 sản phẩm 5 sao, 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao (đã trình Bộ NN&PTNT xem xét đánh giá, phân hạng), 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao. Trong đó ngành thực phẩm 1.071 sản phẩm, ngành đồ uống 35 sản phẩm, ngành thảo dược 17 sản phẩm, ngành thủ công mỹ nghệ 492 sản phẩm, ngành vải và may mặc 34 sản phẩm.

Theo Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội, để có được kết quả trên đây, Hà Nội đã triển khai có hiệu quả nhiều giải pháp. Trước hết, Thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm quan trọng, ý nghĩa OCOP, về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế nông thôn và Chương trình OCOP. Cùng với việc đưa các đoàn đi học tập trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh, thành phố, Hà Nội tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao công tác quản lý, điều hành Chương trình OCOP, quản trị sản xuất - kinh doanh cho các nhà quản lý tổ chức kinh tế (CEO), hộ sản xuất, HTX, trang trại… về chương trình OCOP.

Nhằm phát triển, nâng cấp sản phẩm OCOP, Hà Nội luôn quan tâm hỗ trợ các sản phẩm OCOP được công nhận cho các chủ thể in tem, thiết kế bao bì nhãn mác nhằm chuẩn hóa các sản phẩm sau khi được công nhận. Đông thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có sản phẩm OCOP xây dựng nhãn hiệu sản phẩm theo quy định.

Hà Nội: Những nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP - Ảnh 2.

Ngày hội Livestream đặc sản OCOP Hà Nội

 Sáng tạo mở rộng thị trường tiêu thụ

Điểm sáng tạo nổi bật ở Hà Nội là các hoạt động kết nối cung cầu thông qua tổ chức các sự kiện quảng bá sản phẩm OCOP. Ví như năm 2020, tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ), Hà Nội đã tổ chức 4 sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền (miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, miền Trung và Tây Nguyên, đồng bằng Nam bộ).

Năm 2021, trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19, Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội đã tổ chức thành công một số sự kiện kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP dựa trên nền tảng công nghệ số. Có thể kể đến như "Chợ đêm trên mây" thành phố Hà Nội và "Ngày hội Livestream đặc sản OCOP Hà Nội". Diễn đàn trực tuyến Hà Nội năm 2021 kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn.

Hà Nội tổ chức 5 khóa học miễn phí bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream) với tổng số gần 500 học viên của 273 đơn vị nông, lâm, thủy sản và sản phẩm OCOP của Hà Nội và 20 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đáng mừng là sau khóa học, các chủ thể OCOP đã chủ động Livestream bán hàng trực tuyến thành thạo qua mạng.

Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội cũng thường xuyên tổ chức các sự kiện "Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP". Đến nay, Thành phố đã khai trương đưa vào hoạt động được 55 điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, hàng hóa bày bán trong các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm nêu trên đều là các sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân nhận diện tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Hà Nội: Những nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP - Ảnh 3.

Đại diện các chủ thể OCOP ở Thủ đô Hà Nội tham gia giới thiệu, bán hàng trực tuyến các sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn

 Cái khó khi tìm đầu ra sản phẩm OCOP

Bước sang giai đoạn 2021-2025, Hà Nội tiếp tục thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về đẩy mạnh chương trình xây dựng NTM, trong đó xây dựng mỗi năm 400 sản phẩm OCOP, tức là chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ có thêm 2.000 sản phẩm OCOP trên địa bàn Thủ đô.

Ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh chuyên trách Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội, cho biết: Vướng mắc nhất trong công tác xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP là chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành từ năm 2018 (Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018), nhưng do các cơ chế, chính sách của Trung ương chưa đồng bộ, nên việc triển khai ở cơ sở gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, tập huấn về OCOP từ Trung ương đến cơ sở còn hạn chế, nên còn bộ phận không nhỏ từ cán bộ đến người dân chưa nắm được Chương trình OCOP và sản phẩm OCOP...

Để khơi thông vướng mắc và tạo điều kiện phát triển Chương trình OCOP, Hà Nội kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách đồng bộ thực hiện Chương trình OCOP theo hướng hỗ trợ, đầu tư, nâng cấp chất lượng sản phẩm OCOP.

Với các bộ ngành, Hà Nội đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn chi tiết mức chi tại Điều 20b của Thông tư số 08/2019/TT-BTC ngày 30/01/2019 để đảm bảo triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Bộ Công Thương có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc hỗ trợ các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại địa phương từ ngân sách. Cụ thể như hỗ trợ lắp đặt biển hiệu nhận diện, giá kệ trong cửa hàng, hỗ trợ công tác tuyên truyền, thành lập các chuỗi điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, hỗ trợ vận hành và duy trì điểm bán.

Hà Nội cũng đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu tham mưu Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019, Quyết định số 781/QĐ-TTg ngày 8/6/2020 sửa đổi, bổ sung một số phụ lục Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Trong đó bỏ tiêu chí Tỷ lệ sử dụng nguyên liệu địa phương tạo điều kiện liên kết giữa các vùng sản xuất và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên kết bao tiêu sản phẩm.

Các cơ quan quản lý cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát đối với tất cả các chủ thể OCOP đã được công nhận, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý việc tuân thủ các quy định về sử dụng nhãn mác, tem sản phẩm, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm và các quy định khác có liên quan đến tiêu chí  đánh giá, phân hạng sản phẩm sản phẩm OCOP. Kịp thời hướng dẫn, ngăn chặn, xử lý các chủ thể OCOP có hành vi vi phạm các quy định của nhà nước và pháp luật, giải quyết khiếu nại, khắc phục những bất cập trong công tác quản lý sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội.


Lưu Đoàn
Ý kiến của bạn
Vietnam Airlines mở bán tăng cường hơn 2.000 chuyến bay đêm dịp nghỉ lễ Vietnam Airlines mở bán tăng cường hơn 2.000 chuyến bay đêm dịp nghỉ lễ

Vietnam Airlines mở bán tăng cường vé của 2.000 chuyến bay khai thác từ sau 21h hằng ngày trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và cao điểm hè sắp tới, trên các đường bay giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn…