HÀ NỘI Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ: Chất lượng không khí xấu đi vào chiều tối

Sự kiện
07:00 AM 08/06/2020

Điều kiện khí hậu bất lợi, cộng với việc người dân đốt rơm ra đã khiến chất lượng không khí tại Hà Nội xấu đi, nhất là vào chiều tối.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội thường có xu hướng tăng cao vào ban đêm và rạng sáng. Ảnh: Lam Song

Mặc dù Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang trong thời kỳ chất lượng không khí tốt nhất năm, thế nhưng cứ vào chiều tối, chất lượng không khí Hà Nội lại xấu đi, có nhiều điểm còn cho kết quả gây hại cho sức khỏe.

Không chỉ riêng Trung tâm Hà Nội mà ở khu vực ngoại thành, các tỉnh lân cận đồng bằng sông Hồng đều có diễn biến xấu đi vào chiều tối.

Đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết, trên cơ sở dữ liệu thu được từ 34 trạm quan trắc chất lượng không khí (CLKK) tự động, liên tục từ ngày 1/6 đến ngày 7/6 trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, nồng độ các chất ô nhiễm có trong không khí (đặc biệt là PM10và PM2.5) thường có xu hướng tăng cao vào ban đêm và rạng sáng (từ 18 giờ đến 4 giờ ngày hôm sau), và giảm dần từ trưa sang chiều, sau khi bức xạ mặt trời tăng.

Đặc biệt vào đêm ngày 6 và sáng sớm ngày 7/6, nồng độ bụi tăng cao đột biến, chỉ số CLKK một số trạm đã chạm ngưỡng rất xấu.

Lý giải về hiện tượng này, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho rằng, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng tới CLKK suy giảm trong thời gian gần đây như: Biến thiên nồng độ của các chất ô nhiễm không khí phụ thuộc vào nhiều yếu tố ảnh hưởng (nguồn phát thải, điều kiện khí tượng); tốc độ gió; khả năng khuấy trộn của không khí theo chiều dọc (độ ổn định); bức xạ mặt trời và các phản ứng quang hóa.

Bên cạnh đó, một số khu vực ngoại thành đã vào mùa thu hoạch, xuất hiện tình trạng đốt lộ thiên chất thải, phụ phẩm nông nghiệp, rác thải sinh hoạt vào chiều muộn và ban đêm khiến cho nồng độ chất ô nhiễm trong không khí tăng.

Việc đốt rơm rạ ngoài trời là quá trình đốt không kiểm soát, trong đó sản phẩm chủ yếu là các chất khí bụi, CO2, CO, NOx. Khi rơm rạ cháy không hết có thể tạo ra hợp chất Aldehyde và bụi mịn là những chất gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người.

Ngoài ra, điều kiện khí tượng bất lợi, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn (ban ngày nhiệt độ tăng cao, trời oi nóng, ban đêm nhiệt độ giảm mạnh, lặng gió) đã tạo thành lớp màng bao phủ TP, hạn chế sự tạo ra chuyển động rối trong lớp khí quyển sát đất, đã khiến chất ô nhiễm không được khuyếch tán lên cao mà tích lũy lại ở lớp không khí gần mặt đất vào ban đêm.

Nhất là trong ngày 7/6, nồng độ chất ô nhiễm tăng cao đột biến là do chất ô nhiễm tích tụ trong thời gian dài, điều kiện khí tượng bất lợi gây cản trở sự khuếch tán chất ô nhiễm.

Theo nhận định của Chi cục Bảo vệ Môi trường, vào đầu tuần và giữa tuần này sẽ có mưa dông dải dác vào ban đêm tại một số nơi trên địa bàn thành phố, nhưng không đáng kể. Chênh lệch giữa ngày và đêm làm cho các chất ô nhiễm được khuếch tán và khiến CLKK giảm hơn so với cuối tuần, song vẫn cao hơn so với tuần trước đó.

Từ thực tế này, Chi cục Bảo vệ Môi trường khuyến cáo, để góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, người dân cần hạn chế đốt rác, giảm thiểu đun nấu bằng than tổ ong. Rác cần được thu gom và xử lý theo quy định, người dân không tự ý đốt rác thải tại nơi mình sinh sống. Các khu vực dân ngoại thành không đốt rơm rạ.

Ngoài ra, để có thể chủ động bảo vệ sức khỏe của mình, người dân nên thường xuyên theo dõi và cập nhật tình hình chất lượng không khí tại các trang công bố CLKK của cơ quan Nhà nước, để biết được mức độ ảnh hưởng và có các biện pháp bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Đặc biệt, với điều kiện CLKK ở mức trung bình, nhóm nhạy cảm (trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp) nên hạn chế thời gian ở ngoài. Trong điều kiện CLKK ở mức kém, nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian ở ngoài.

Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.