Hà Nội phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 10% vào GRDP

Chính sách
03:38 PM 09/08/2023

Hà Nội đặt mục tiêu doanh thu từ các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) tăng dần qua từng năm, đến năm 2023 đóng góp khoảng 8% GRDP và đến năm 2050 đạt từ 10% GRDP của thành phố trở lên.

Trước đại dịch COVID-19, các ngành CNVH đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn, chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của Hà Nội, cao hơn mức CNVH đóng góp vào GDP (3,61%). Đó là cơ sở để Nghị quyết 09-NQ/TU về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045" đặt mục tiêu cao hơn trung bình cả nước, đưa CNVH trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Mới đây, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội phối hợp với Sở Văn hoá và Thể thao, Sở Du lịch và Sở Ngoại vụ tổ chức tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học về phương án phát triển ngành công nghiệp văn hóa tích hợp trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hà Nội phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 10% vào GRDP  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo Báo cáo của Liên danh tư vấn, TP. Hà Nội nằm trong nhóm các thành phố có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, có các ngành công nghiệp văn hóa phát triển hàng đầu, với những thương hiệu, sản phẩm uy tín, có sức cạnh tranh trong khu vực, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu. Đây chính là yếu tố quan trọng để thành phố đạt được mục tiêu đề ra: Năm 2030, đóng góp khoảng 8% GRDP; năm 2050 đóng góp 10% GRDP.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu, TP. Hà Nội cần ưu tiên nguồn lực thực hiện bảo vệ và phát huy giá trị. Đồng thời, tập trung đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích như Hoàng thành Thăng Long, Điện Kính Thiên, Đền thờ Ngô Quyền, Cổ Loa... nhằm phát huy giá trị của các di tích, đáp ứng nhu cầu thực hành tín ngưỡng, lễ hội truyền thống của nhân dân và phục vụ phát triển du lịch.

Đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở bảo tàng, thư viện, mỹ thuật, triển lãm, nghệ thuật biểu diễn, trung tâm/nhà văn hóa, không gian thiết kế, sáng tạo văn hóa và cơ sở nghiên cứu, đào tạo văn hóa nghệ thuật theo hướng đồng bộ, hiện đại, có sự liên thông, liên kết với mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia, cơ sở văn hóa ngoài công lập và các cơ sở văn hóa thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng, phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phát triển tài nguyên dữ liệu số hóa, cơ sở văn hóa hoạt động trên nền tảng trực tuyến không gian mạng.

Đối với định hướng phát triển thể dục thể thao, Hà Nội đảm bảo 100% đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn có đủ cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu tập luyện cơ bản của nhân dân và tổ chức các giải thi đấu thể thao các cấp trên địa bàn thành phố.

Về phát triển du lịch, giai đoạn 2021-2023, thành phố phát triển du lịch theo 7 cụm, gồm: Cụm du lịch Trung tâm Hà Nội, Cụm du lịch phía Tây (Sơn Tây - Ba Vì), Cụm du lịch phía Nam (Mỹ Đức - Ứng Hòa), Cụm du lịch phía Bắc (Sóc Sơn - Mê Linh, Cụm du lịch Đông Anh và phụ cận, Cụm du lịch Hà Đông và phụ cận, Cụm du lịch Gia Lâm - Long Biên và phụ cận.

Sau năm 2030, Thủ đô phát triển mạnh hành lang theo Vành đai 4 và hành lang sông Hồng, phát triển mở rộng hành lang du lịch sông Đáy kết hợp sông Tích đến các cụm Ba Vì, Sơn Tây và Mỹ Đức - Ứng Hòa và phát triển hành lang du lịch văn hóa lịch sử sông Tô Lịch.

Đối với phương án phát triển hai lĩnh vực văn hóa và du lịch để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho rằng, đây là hai lĩnh vực lớn, quan trọng, có liên hệ mật thiết với nhau. Cần phát triển đúng hướng để văn hóa và con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng vừa là động lực, nguồn lực phát triển.

Minh An
Ý kiến của bạn