Hà Nội: Phấn đấu đến năm 2045 hoàn thành cơ bản cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ
Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại toàn diện các chung cư cũ trên địa bàn TP; phấn đấu đến năm 2045 hoàn thành cơ bản công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 61/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định 101/2015 về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ (CCC). TP Hà Nội cũng hoàn thành “Đề án xây dựng, cải tạo CCC trên địa bàn TP” và tổ chức nhiều hội nghị phản biện có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về quy hoạch, kiến trúc, xây dựng. Trên cơ sở đó, mới đây UBND TP đã ban hành Quyết định 5289/QĐ-UBND chính thức đưa đề án và triển khai thực hiện, với mục tiêu đến năm 2045 sẽ cơ bản hoàn thành công tác xây dựng, cải tạo CCC.
Theo đó, căn cứ vào điều kiện thực tế, đề án xác định rõ 7 giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, tổng rà soát, khảo sát, kiểm định chung cư cũ. Cụ thể, sẽ thành lập Hội đồng thẩm định của UBND TP (dự kiến trong 12/2021 - 1/2022) để tổ chức thẩm định, ban hành kết luận kiểm định nhà chung cư cũ; Ban hành Kế hoạch kiểm định (dự kiến trong tháng 12/2021) với tiến độ thực hiện từng nhà chung cư cũ theo từng năm trong giai đoạn 2021 - 2025, chia làm 4 đợt và phấn đấu hoàn thành kiểm định tất cả chung cư cũ trên địa bàn TP trước quý III/2023.
Hai là, ban hành Kế hoạch nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội (gọi tắt là Kế hoạch lập quy hoạch) trong tháng 12/2021. Trong đó, định hướng giải pháp quy hoạch đối với 3 mô hình cấp độ: Lập đồ án quy hoạch chi tiết với khu chung cư cũ quy mô từ 2ha; lập tổng mặt bằng với nhóm chung cư cũ quy mô nhỏ hơn 2ha; lập tổng mặt bằng và thực hiện đề án quy gom đối với nhà chung cư cũ độc lập, đơn lẻ để tái định cư tại chỗ. Dự kiến hoàn thành lập, trình duyệt quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng, đề án quy gom toàn bộ các khu chung cư, nhà chung cư trong quý IV/2023.
Ba là, ban hành Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, dự kiến ban hành trong tháng 12/2021. Nội dung Kế hoạch được thực hiện với quan điểm toàn diện, đồng bộ, có trọng điểm, bao gồm: Lập danh mục chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại đồng bộ, toàn diện với 3 nhóm: Nhóm các dự án đang triển khai (chuyển tiếp từ giai đoạn trước năm 2021); nhóm dự kiến khởi công xây dựng trong giai đoạn 2021 - 2025; nhóm chuẩn bị đầu tư để triển khai giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, dự kiến các nguồn vốn thực hiện đối với từng dự án cụ thể; tạo lập quỹ nhà tái định cư tạm thời...
Bốn là, thành lập tổ công tác để xây dựng, trình UBND TP ban hành tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư và các cơ chế chính sách cụ thể thuộc thẩm quyền của Thành phố. Trong đó, quy định 3 hình thức lựa chọn nhà đầu tư gồm: các chủ sở hữu thống nhất lựa chọn; đấu thầu lựa chọn; nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.
Năm là, thành lập Hội đồng thẩm định của UBND TP hoặc phân cấp cho UBND cấp huyện xem xét, thẩm định, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bố trí nhà ở tạm cư cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư.
Sáu là, tạo lập quỹ nhà ở tạm cư, theo đó thành phố có thể sử dụng các quỹ nhà tái định cư có sẵn của thành phố; đầu tư xây dựng mới quỹ nhà tạm cư hoặc mua nhà ở thương mại để tạo lập quỹ nhà ở tạm cư.
Bảy là, thực hiện các chính sách ưu đãi: Miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền chuyển mục đích sử dụng đất... Đồng thời với việc xây dựng các kế hoạch triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, UBND TP phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và cơ quan liên quan theo nguyên tắc "5 rõ", có lộ trình, tiến độ triển khai cụ thể đối với từng nhiệm vụ.
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Lê Văn Hoạt - Ủy viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội) cho hay: “Tôi cho rằng, đây là những giải pháp có tính “đột phá” của TP Hà Nội nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác xây dựng, cải tạo CCC. Trong đó, điểm nhấn là sử dụng nguồn ngân sách thực hiện công tác rà soát, kiểm định và cần phải sử dụng một cách hợp lý nguồn ngân sách này tránh gây thất thoát lãng phí. Theo tôi, trước hết TP cứ tập trung hoàn thành một số khu làm điểm, từ đó tổng kết rút ra bài học kinh nghiệm, sau đó tiếp tục nhân rộng”.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội) Phạm Ngọc Thảo cho rằng, đề án xây dựng, cải tạo CCC của TP Hà Nội đã đáp ứng được với yêu cầu thực tế trong giai đoạn hiện nay. Nhưng Nghị định 61/2021/NĐ-CP là cơ sở pháp lý quy định chung và Hà Nội nên đề xuất vận dụng cơ chế theo đặc thù riêng để người dân dễ dàng đồng thuận hơn. Ví dụ, vấn đề hệ số quy định từ 1 - 2 lần, nhưng Hà Nội có thể vận dụng cao hơn một chút...
“Nhưng để công cuộc này được thành công thì phải có “đột phá”, đặt thành trọng tâm, trách nhiệm của người đứng đầu, HĐND TP phải đặt vấn đề này thành nội dung định kỳ trong các hoạt động của HĐND và Thường trực HĐND, UBND TP có trách nhiệm thực hiện. Cả bộ máy chính quyền phải thực sự vào cuộc, không chỉ dừng lại ở việc phối hợp với Ban Chỉ đạo” - ông Phạm Ngọc Thảo phân tích.
HM (T/h)Theo Quyết định số 1046/QĐ-EVN của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giá bán lẻ điện năm 2024 được điều chỉnh lên 2.103 đồng/kWh.