Hà Nội: Phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,2%
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 70/KH-UBND về thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố, trong đó đặt ra chỉ tiêu năm 2023 sẽ tuyển sinh và đào tạo khoảng 230.000 lượt người; phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,2%.
Theo đó, trong năm 2023, thành phố yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc có hoạt động giáo dục nghề nghiệp cần tiến hành tuyển sinh, đào tạo nghề trình độ cao đẳng cho ít nhất 25.500 người; Trình độ trung cấp cho 28.500 người; Trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 176.000 người.
Đây là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng lao động trên địa bàn thành phố, phấn đấu đến cuối năm nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Hà Nội đạt 73,2%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt ít nhất 52,5% (năm 2022, các tỷ lệ này lần lượt là 72,23%, và 52,5%).
Để thực hiện những chỉ tiêu này, TP Hà Nội đã đề ra 11 nhiệm vụ và giải pháp, trong đó tăng cường công tác truyền thông, nâng cao hình ảnh, thương hiệu và giá trị xã hội của giáo dục nghề nghiệp. Cùng với đó là rà soát, sắp xếp, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyển sinh, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông. Tổ chức Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2023, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp cận học sinh tại các trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên để giới thiệu, tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp.
Một giải pháp được TP Hà Nội đưa ra là đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ; gắn đào tạo với giải quyết việc làm. Những nhiệm vụ được đặt ra là, đẩy mạnh đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường lao động, người sử dụng lao động; gắn chất lượng đào tạo nghề với ứng dụng công nghệ, đổi mới chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Hoạt động đào tạo nghề gắn với chương trình phát triển kinh tế xã hội của TP và từng địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế tăng cơ hội tìm kiếm việc làm bền vững cho người lao động. Đa dạng hóa và mở rộng các hình thức hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
TP cũng hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật chuyên môn, kỹ năng nghề, kỹ năng mềm cho lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP; tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, Sàn giao dịch việc làm trên địa bàn TP, Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ người học tìm việc làm sau khi tốt nghiệp.
Đặc biệt, TP Hà Nội đặt ra trong năm 2023 là đẩy nhanh chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, với mục tiêu phát triển các hoạt động trên môi trường số; đẩy mạnh và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong công tác quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá.
Phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thúc đẩy. Học sinh, sinh viên được tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ để hình thành, hiện thực hóa ý tưởng, dự án khởi nghiệp.
Năm nay, TP sẽ tập trung đầu tư 4 trường cao đẳng công lập trực thuộc thành trường chất lượng cao, với một số nghề trọng điểm: Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. 16 trường được đầu tư trang thiết bị đào tạo các ngành nghề trọng điểm theo các cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, hiện Hà Nội có 360 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Riêng trong năm 2022, các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tuyển sinh được hơn 250.000 lượt người, đạt 112% kế hoạch. Tỷ lệ học sinh, sinh viên, học viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 70 - 80%. Nhiều ngành nghề khi học sinh, sinh viên ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng 100% như: Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ sơn ô tô, công nghệ ô tô, tự động hóa.
Ngô HuyCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.