Hà Nội: Phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt mức 2 con số ít nhất trong 10 năm liên tục

Địa phương
08:48 AM 24/10/2024

9 tháng năm 2024, kinh tế Thủ đô đã đạt được những kết quả tích cực, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, mục tiêu của thành phố phấn đấu ít nhất trong 10 năm liên tục, kinh tế Thủ đô có thể tăng trưởng mức 2 con số.

Từ đầu năm 2024 đến nay, dù còn gặp nhiều khó khăn, bị ảnh hưởng do thiên tai, bão lũ, nhưng kinh tế Thủ đô đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tại hội nghị giao ban công tác khối ngành kinh tế 9 tháng năm 2024, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024, định hướng nhiệm vụ năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Đinh Quốc Hùng cho biết, 9 tháng năm 2024, GRDP của Hà Nội tăng 6,12%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 (5,99%). Ngoài dịch vụ và nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng thấp hơn cùng kỳ, các ngành còn lại đều tăng cao hơn cùng kỳ năm trước.

So với cùng kỳ năm 2023, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố là 376.430 tỷ đồng, đạt 92,1% dự toán, tăng 22,2%.

Tổng chi ngân sách địa phương là 68.439 tỷ đồng, đạt 46,7% dự toán đầu năm, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 1,54 tỷ USD. Du lịch phục hồi mạnh, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 21,12 triệu lượt, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2023...

Hà Nội: Phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt mức 2 con số ít nhất trong 10 năm liên tục- Ảnh 1.

Phấn đấu tăng trưởng kinh tế Thủ đô đạt 2 con số ít nhất trong 10 năm liên tục. Ảnh: Int

Thành phố đã tập trung khắc phục sản xuất nông nghiệp sau bão, phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh. Đến nay toàn thành phố có 2.924 sản phẩm OCOP. Thành phố có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 188 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1057/QĐ-TTg công nhận huyện Thanh Trì đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023…

Ngoài ra, Hà Nội đã khởi công 28/43 cụm công nghiệp (thêm 8 cụm trong 9 tháng năm 2024). Đã có 3 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư (gồm khu công nghiệp sạch Sóc Sơn, và 2 khu công nghiệp Đông Anh, Phụng Hiệp). Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập...

Hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch kết hợp với các hoạt động đối ngoại, kết nối giao thương, quảng bá giới thiệu sản phẩm đạt được kết quả nhất định, trong 9 tháng qua, trên địa bàn Thành phố diễn một số hoạt động nổi bật, như: Hội nghị hợp tác xúc tiến du lịch, thương mại Hà Nội - Viêng Chăn 2024; Chương trình "Quảng bá giới thiệu sản phẩm, kết hợp quảng bá xúc tiến du lịch liên kết Thủ đô Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh"; Lễ hội Du lịch Hà Nội; Chương trình Festival Thu Hà Nội lần thứ 2 năm 2024; Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội 2024…

Trước kết quả phát triển kinh tế 9 tháng có nhiều điểm sáng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, mục tiêu của thành phố phấn đấu ít nhất trong 10 năm liên tục, kinh tế Thủ đô có thể tăng trưởng hơn hai con số. Điều này sẽ góp phần quan trọng tạo dựng vị thế và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân Thủ đô.

Để hiện thực hóa được mục tiêu trên, các sở ngành cần chung nhận thức và cùng hành động với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Hà Nội định hướng phát triển nông nghiệp đa lĩnh vực, đa mục tiêu và mang lại giá trị cao nhất. Nông nghiệp Hà Nội phải khác so với các địa phương khác. Cùng với điều chỉnh phù hợp diện tích đất lúa, cần nghiên cứu để phát triển được một sản phẩm gạo mang thương hiệu đặc trưng của Thủ đô, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân…

Liên quan đến xây dựng nông thôn mới, trong năm 2024, thành phố phải phấn đấu hoàn thành bốn huyện nông thôn mới nâng cao và “Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới”, trước 1 năm so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 17.

Trong lĩnh vực phát triển thương mại, dịch vụ, thành phố tiếp tục ưu tiên tập trung hỗ trợ cho các nhà đầu tư trong nước. Sở Công thương tích cực phối hợp các sở ngành, địa phương sớm triển khai 2 dự án chợ đầu mối quốc tế tại huyện Gia Lâm và trung tâm mua sắm cấp vùng trên tuyến đường Nhật Tân-Nội Bài.

Đối với lĩnh vực du lịch, lãnh đạo thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Du lịch tiếp tục nghiên cứu, hình thành các tour tuyến để kết nối, cộng hưởng và liên kết các điểm du lịch. Ngành du lịch cũng cần tập trung vào “lựa chọn du khách”, số lượng không cần nhiều, nhưng mang lại giá trị gia tăng cao.

Trong định hướng phát triển Thủ đô đến 2045, thành phố Hà Nội phấn đấu thu nhập bình quân đạt 36.000 USD/người. Vì vậy, phát triển kinh tế phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa. Thành phố sẽ tập trung thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại gắn với các địa phương, gắn sản xuất với du lịch, phát triển các hoạt động mang tầm quốc tế …

Huyền Thương
Ý kiến của bạn
Hướng đến tương lai đô thị thông minh Hướng đến tương lai đô thị thông minh

Thành phố thông minh là một trong những xu thế phát triển chủ đạo của các đô thị trên thế giới cũng như trong khu vực. Việt Nam là một trong những quốc gia đón đầu xu hướng này, và đang có nhiều chuyển biến tích cực cả về chính sách, môi trường đầu tư lẫn việc nghiên cứu, triển khai và ứng dụng thực tế tại các tỉnh, thành.